Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành một doanh nghiệp phát triển vững mạnh và bền vững. Mỗi nền văn hóa đều sở hữu những nét độc đáo cùng các yếu tố đan cài bao quanh. Việc tích hợp các yếu tố đó có thể là bước đầu tiên để xây dựng một nền văn hóa khác biệt và một tổ chức lâu dài phát triển trường tồn.
Các yếu tố cấu thành nên văn hóa doanh nghiệp
Tầm nhìn
Điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất khi doanh nghiệp xây dựng văn hóa đó là tầm nhìn. Doanh nghiệp có thể đưa ra tầm nhìn bằng một tuyên ngôn chung, một câu khẩu hiệu. Nó không cần quá cầu kỳ, hoa mỹ nhưng phải có ý nghĩa và là công cụ tác động mạnh mẽ đến nhận thức của nhân viên.
Giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi giống như ngọn đèn chỉ đường cho các định hướng, mục tiêu mà công ty hướng đến. Nó giúp thể hiện suy nghĩ, quan điểm cần thiết để doanh nghiệp hình thành văn hóa phù hợp.
Sự riêng biệt của giá trị mỗi doanh nghiệp được thể hiện qua nhiều yếu tố khác nhau như: Tinh thần làm việc nhóm, tính tin cậy, sự công bằng, sự đoàn kết, trải nghiệm tốt từ khách hàng….
Thực tiễn doanh nghiệp
Để thực hiện hóa tất cả tầm nhìn, giá trị trên lý thuyết thì doanh nghiệp cần quan tâm đến các yếu tố thực tiễn. Cấp lãnh đạo phải đưa yếu tố thực tiễn vào nguyên tắc hoạt động hàng ngày, củng cố thêm cho sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp.
Con người trong doanh nghiệp
Yếu tố con người đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Đội ngũ nhân sự không chỉ là người định hình mà còn trực tiếp đưa ra mục tiêu, tầm nhìn, tạo nên giá trị cốt lõi của tổ chức.
Câu chuyện doanh nghiệp
Bất kỳ tổ chức nào cũng đều có một câu chuyện về lịch sử hình thành, phát triển cũng như các câu chuyện độc đáo xung quanh. Đây là điều không thể bỏ qua trong quá trình phát triển văn hóa doanh nghiệp. Những bài học được rút ra câu chuyện sẽ là sức mạnh để giúp từng cá nhân thấu hiểu và cố gắng để bước tiếp sự nghiệp, thành tựu trước đây.
Các loại hình văn hoá doanh nghiệp đặc trưng

8 loại hình văn hoá doanh nghiệp đặc trưng trên thế giới
Đây là 8 loại hình văn hóa đặc trưng trên thế giới, được Harvard Business Review phân biệt dựa theo 2 tiêu chí là sự tương tác giữa mọi người và khả năng phản ứng trước thay đổi:
Chăm sóc (Caring-culture)
Loại hình này cho thấy mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên trong tổ chức được xây dựng dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Với mô hình Caring, doanh nghiệp hướng tới môi trường làm việc hạnh phúc, nhân viên cảm thấy thân thuộc, gắn bó, thoải mái khi thực hiện công việc.
Mục tiêu (Purpose-culture)
Đây là kiểu văn hóa được xây dựng theo lý tưởng cao cả của lãnh đạo cao nhất. Nhân viên sẽ là những người thực thi các mục tiêu cao cả này. Do đó, họ sẽ có khả năng trở thành những người tử tế trong cuộc sống và cả trong doanh nghiệp. Apple, Google hay Facebook đang thực hiện văn hóa doanh nghiệp theo mô hình này.
Tận hưởng (Enjoyment-culture)
Văn hóa Enjoyment có nghĩa là mọi người sẽ làm những gì họ yêu thích và hạnh phúc. Qua đó cả nhân viên và lãnh đạo đều tạo ra không khí sôi nổi và hào hứng trong công việc. Văn hóa này giúp nhân viên tràn đầy năng lượng, đầu óc thoải mái và phù hợp với những doanh nghiệp thiên về các công việc sáng tạo.
Kết quả (Results-culture)
Mô hình Results nói đến mục đích của việc xây dựng văn hóa là tập trung những nhân sự phù hợp để thực thi các mục tiêu, chính sách và công ty đặt ra. Mục tiêu của các doanh nghiệp đều là kiếm được tiền, tạo ra nhiều lợi nhuận, do vậy thành tích sẽ được thể hiện bằng những con số. Với mô hình này, nhân viên và lãnh đạo sẽ cùng có động lực và mục tiêu chung để làm việc, nhanh chóng đi đến đích.
Học tập (Learning-culture)
Văn hóa học tập rất cần thiết nếu như doanh nghiệp của bạn muốn phát triển, mở rộng quy mô cũng như tồn tại bền vững. Văn hóa này sẽ xuất phát từ lãnh đạo – họ sẽ là người đổi mới, sáng tạo, học tập không ngừng nghỉ để nhân viên cùng noi theo. Qua đó nhân viên cũng sẽ tiến bộ và phát triển nhanh chóng.
Chuyên chế (Authority-culture)
Đây là mô hình mà nhân viên bị kiểm soát bởi phía ban lãnh đạo. Mọi quyết định cũng như đánh giá đều xuất phát từ người đứng đầu, các thành viên sẽ có xu hướng cạnh tranh lẫn nhau để đạt được lợi ích cá nhân. Mô hình này có thể dẫn đến các mâu thuẫn nội bộ, bất đồng quan điểm và môi trường làm việc không an toàn về mặt tâm lý.
An toàn (Safety-culture)
Văn hóa an toàn hiện được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới. Việc kinh doanh không thể thiếu những rủi ro và thách thức, vậy nên ta cần có kế hoạch và cách giải quyết được chuẩn bị sẵn sàng từ trước. Áp dụng mô hình này doanh nghiệp sẽ có những bước đi ổn định, hạn chế những phát sinh không mong muốn.
Trật tự (Order-culture)
Văn hóa trật tự được hiểu là các quy tắc, luật lệ mà các thành viên phải tuân theo, ngay cả người đứng đầu. Việc tạo ra một hệ thống quản lý chuẩn sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý và đánh giá, qua đó giảm những mâu thuẫn và tăng hiệu quả làm việc của các phòng ban. |