Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (09/06/2024) ]
Ảnh hưởng của đa hình gen PIT1, H-FABP, PIK3C3 và CAST đến năng suất thân thịt, chất lượng thịt của lợn ỉ
Nghiên cứu: “Ảnh hưởng của đa hình gen PIT1, H-FABP, PIK3C3 và CAST đến năng suất thân thịt, chất lượng thịt của lợn ỉ” do nhóm tác giả: Phan Thị Tươi - Bộ môn Khoa học vật nuôi, Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức; Nguyễn Thái Anh, Nguyễn Hoàng Thịnh, Đỗ Đức Lực - Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Việt Nam được đánh giá là một trong những trung tâm da đạng sinh học phong phú nhất trên thế giới. Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học, trong đó có suy giảm nguồn gen vật nuôi. Trong số 26 giống lợn bản địa ở Việt Nam, có 5 giống lợn đã tuyệt chủng và 9 giống có nguy cơ tuyệt chủng (JICA & NAFRO, 2020), trong đó lợn Ỉ có nguy cơ tuyệt chủng cao. Mặc dù đã được đưa vào chương trình bảo tồn từ những năm 1990, nhưng số lượng lợn Ỉ vẫn bị suy giảm nhanh chóng và hiện nay chỉ còn một số ít cá thể được nuôi tại công ty TNHH Lợn giống DABACO (Chu Minh Khôi, 2019). Phục tráng giống lợn Ỉ là nhiệm vụ cấp thiết nhằm bảo tồn nguồn gen vật nuôi quý hiếm và ngăn ngừa xói mòn đa dạng sinh học. Đã có nhiều nghiên cứu về khả năng sản xuất của lợn Ỉ, nhưng hầu hết các nghiên cứu đã được thực hiện cách đây tương đối lâu (Phạm Hữu Doanh, 1985; Đặng Vũ Bình, 1993; Lê Viết Ly, 1999; Vô Văn Sự & cs., 2004). Gần đây, có một số nghiên cứu về hệ gen ti thể (Nguyen & cs., 2017), đa hình một số ứng cử gen (Phan Thi Tuoi & cs., 2022) và kích thước chiều đo (Phan Thị Tươi & cs., 2022) của giống lợn này. Tuy nhiên các nghiên cứu nêu trên mới đề cập đến năng suất thân thịt mà chưa đề cập đến chất lượng thịt cũng như mối liên hệ với đa hình của các gen. Do đó, bên cạnh việc tăng số' lượng cá thể, cải thiện năng suất sinh sản và sinh trưởng của lợn Ỉ, đánh giá năng suất thân thịt, chất lượng thịt của giống lợn này và mối liên hệ với đa hình các gen ứng viên là cần thiết để công tác bảo tồn được thực hiện đúng mục tiêu và đạt hiệu quả cao.

Trong những thập kỷ gần đây, ứng dụng thành tựu của di truyền phân tử kết hợp với phương pháp chọn lọc truyền thống đã góp phần nâng cao tính chính xác, rút ngắn thời gian và làm tăng tốc độ cải thiện di truyền của các tính trạng mong muốn. Nhiều gen ứng viên đã được chứng minh có mối liên hệ với năng suất và chất lượng thịt lợn trong đó có các gen pituitary­specific transcription factor (PIT1) (Franco & cs., 2005), Heart fatty acid-binding protein (H-FABP) (Lee & cs., 2010), Porcine phosphoinositide-3-kinase, class 3 (PIK3C3) (Hirose & cs., 2011), Calpastatin (CAST) (Ropka- Molik & cs., 2014). Tuy nhiên, cho đến nay chưa có đánh giá về mối liên quan giữa các gen này đến năng suất và chất lượng thịt trên giống lợn Ỉ. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá mối liên hệ giữa đa hình các gen PIT1/RasI, H-FABP/ffinU, PIK3C3/Hpy8I, CAST/HinfI và tính biệt đến năng suất thân thịt và chất lượng thịt lợn Ỉ, từ đó làm cơ sở để đề xuất ứng dụng các chỉ thị phân tử trong chọn lọc và nhân giống lợn Ỉ.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của đa hình gen (PIT1/RasI, H-FABP/H/nfI, PIK3C3/Hpy8I và CAST/H/nfI) và tính biệt đến năng suất thân thịt và chất lượng thịt của lợn Ỉ nuôi tại Công ty TNHH lợn giống Dabaco Phú Thọ. Tiến hành mổ khảo sát 23 lợn Ỉ (12 cái và 11 đực thiến) 8 tháng tuổi để thu thập các chỉ tiêu năng suất thân thịt (khối lượng giết mổ, khối lượng móc hàm, tỉ lệ móc hàm, khối lượng thịt xẻ, tỉ lệ thịt xẻ, độ dày mỡ lưng 1, độ dày mỡ lưng 2, dài thân thịt, tỷ lệ nạc trên khối lượng giết mổ, tỉ lệ nạc trên khối lượng móc hàm, tỉ lệ nạc trên khối lượng thịt xẻ) và chất lượng thịt (pH 45 phút sau giết mổ, pH, L*, a*, b*, tỉ lệ mất nước bảo quản, tỉ lệ mất nước chế biến và độ dai của cơ thăn tại thời điểm 24 giờ sau giết mổ). Kiểu gen của các đa hình được xác định bằng kỹ thuật PCR-RFLP. Kết quả cho thấy lợn Ỉ cái có độ dày mỡ lưng và giá trị L* cơ thăn cao hơn so với lợn Ỉ đực thiến (P <0,05). Các đa hình các gen PIT1/RasI, H-FABP/H/nfI, PIK3C3/Hpy8I và CAST/H/nfI không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu năng suất thân thịt và chất lượng thịt của lợn Ỉ.

Lợn Ỉ cái có độ dày mỡ lưng và màu sắc (L*) cơ thăn cao hơn lợn Ỉ đực thiến. Đa hình các gen PIT1, H-FABP, PIK3C3 và CAST không anh hưởng đến các chỉ tiêu năng suất thân thịt và chất lượng thịt của lợn Ỉ. Do đó, chọn lọc theo các đa hình này không làm ảnh hưởng đến năng suất thân thịt và chất lượng thịt của lợn Ỉ. Trong nghiên cứu này, quần thể lợn Ỉ có số lượng còn hạn chế. Vì vậy cần có các nghiên cứu khác với dung lượng mẫu lớn hơn về ảnh hưởng của các yếu tố", trong có các đa hình các gen ứng viên đến khả năng sản xuất của giống lợn này.

ntdinh
Theo Tạp chí khoa học và nông nghiệp, số 3/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->