Cơ khí [ Đăng ngày (26/05/2024) ]
Đôi điều hiểu thêm về doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng xe máy và ô tô ở Việt Nam
Ra giêng ngày rộng tháng dài, tôi đã đến thăm 03 doanh nghiệp thành viên Hiệp hội VAMI chuyên tổ chức sản xuất một số linh kiện, phụ tùng cung cấp cho các Hãng chế tạo xe gắn máy, ô tô đầu tư ở Việt Nam và nước ngoài. Đó là các nhà máy sửa chữa, sản xuất vòng bi Phổ Yên (nay là Fomeco), Nhà máy Phụ tùng số 1 (nay là FUTU1), nhà máy Diezel Sông Công (nay là Disoco). Đây là cụm các công ty cổ phần thành viên của Tổng công ty Máy động lực & Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có trụ sở tại TP.Phổ Yên và TP.Sông Công tỉnh Thái Nguyên.

Bồi hồi nhớ lại cách nay hơn nửa thế kỉ, khi đó tôi mới chưa đầy 40 tuổi đang công tác tại Vụ Quản lý khoa học kỹ thuật của cơ quan Bộ Cơ khí và Luyện kim (tiền thân của Bộ Công Thương ngày nay) hàng tháng đã thường xuyên đi xe gắn máy MTZ 150 phân khối lên 03 đơn vị này để nắm tiến độ đầu tư xây dựng về báo cáo lãnh đạo Bộ. Thời đó là thậm niên 80 thế kỉ XX, miền Bắc đang bị Mỹ ném bom đánh phá nên rất thiếu đói khó khăn, nhưng lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đứng đầu là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn vẫn quyết tâm tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN Đông Âu để xây dựng công nghiệp cho đất nước. Do vậy 03 nhà máy này là một trong số những công trình công nghiệp của miền Bắc được xây dựng. Chính chúng tôi là lứa kỹ sư được đào tạo trong và ngoài nước thời thập niên 60, 70 thế kỷ XX để chuẩn bị ra làm việc tại những nhà máy này thực hiện sự nghiệp công nghệ hóa đất nước sau khi chiến  tranh kết thúc.

Giờ đây sau hơn 40 năm các nhà máy này đã chuyển thành Công ty cổ phần có vốn chủ yếu của nhà nước và đã thay đổi nhiều đời lãnh đạo, đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp nhiều đợt để có thể tiếp tục phát huy năng lực sản xuất, thu hút và bồi dưỡng nguồn nhân lực để có thể sản xuất được nhiều loại chi tiết, sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng, sản lượng cung cấp chủ yếu cho các Hãng sản xuất lắp ráp xe máy tại Việt Nam cũng như từng bước tham gia xuất khẩu chiếm từ 10 đến 30 % doanh thu.

Đại diện các đơn vị thông báo:  năm 2022 mặc dù các doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn của thị trường vì đại dịch Covid-19, chiến tranh làm đứt gãy nguồn cung ứng vật tư và xuất khẩu sản phẩm, đơn hàng linh kiện chi tiết xe máy giảm… nhưng tôi đã  rất xúc động và cảm phục ý chí, quyết tâm tìm kiếm kẽ hở của thị trường của tập thể lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ công nhân viên của các doanh nghiệp này để đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn tiếp tục phát triển. 

Công ty cơ khí Phổ Yển (FOMECO) hiện có 980 CBCNV, đạt  doanh thu 1059 tỷ VNĐ.

Công ty FUTU1 có 1130 CBCNV, doanh thu đạt trên 900 tỷ VNĐ.

Công ty DISOCO có 840 CBCNV, doanh thu đạt trên 772 tỷ VNĐ.

Các doanh nghiệp này ngoài các khoản thuế nộp cho nhà nước đã giữ được mức thu nhập bình quân cho CBCNV từ 14 đến trên 15 triệu đồng/ tháng. Những năm tới do sản lượng sản xuất lắp rác xe máy và ô tô của Việt Nam đã bắt đầu giảm sút so với thời trước những năm 2020 nhưng tôi vẫn tin tưởng vào sự nghiên cứu thị trường để đổi mới một số sản phẩm có nhiều giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp trụ vững và phát triển.

Thiết nghĩ trải qua nhiều thập niên bươn chải vượt khó, các doanh nghiệp cơ khí nói trên mới có thể làm chủ được thiết kế, công nghệ, sản xuất được nhiều chi tiết, phụ kiện đạt chất lượng mang thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành cơ khí Việt Nam cung cấp cho ngành hàng sản xuất lắp ráp xe máy, ô tô trong, ngoài nước. Có nghĩa là để đầu tư xây dựng doanh nghiệp trở thành một địa chỉ cơ khí làm ra được các sản phẩm CNHT đạt chất lượng để cung cấp cho xe máy ô tô hoàn toàn không đơn giản như nhiều người nghĩ. Với các doanh nghiệp chỉ chuyên sản xuất các sản phẩm nhỏ, giá trị không lớn, nhưng họ đã tìm kiếm để giữ và phát triển được thị trường, sản xuất kinh doanh đủ sức cạnh tranh, tồn tại là một nỗ lực rất lớn đáng ghi nhận.

Do vậy để có được kết quả và vị thế của doanh nghiệp như hôm nay rõ ràng các doanh nghiệp này đều đã nỗ lực không ngừng, kiên trì đổi mới, sáng tạo trong nhiều năm. Họ đều nhận ra thị trường những năm tới: Sản lượng hàng phụ tùng, linh kiện xe máy sẽ giảm, lợi nhuận thu được từ việc sản xuất như cũ sẽ thấp đi do giá trị gia tăng của sản phẩm không nhiều nên bắt buộc phải tìm kiếm sản phẩm mới đang từ cung cấp cho xe máy chuyển sang cung cấp cho sản xuất lắp ráp ô tô; Đồng thời tìm kiếm những sản phẩm mới ngoài cung ứng cho ngành hàng xe máy, ô tô. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp cơ khí khác trong, ngoài nước để tham gia chế tạo nhiều lọai sản phi truyền thống của đơn vị. Như vậy doanh nghiệp mới có thể tiếp tục trụ vững và phát triển tốt trong những năm tới còn nhiều khó khăn thách thức khó lường trong thời buổi số hóa bùng nổ đang làm công nghệ, quản trị sản xuất thay đổi rất nhanh chóng.

Qua lần đi làm việc này tôi cảm nhận và tin tưởng:

1- Trên cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật hiện có do các doanh nghiệp đã tích tụ sau mấy thập niên và đào tạo nên đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp trẻ tuổi đầy tài năng hôm nay. cùng với chất lượng CBCNV có tay nghề cao đã qua thử thách trong sản xuất kinh doanh, chắc chắn các doanh nghiệp Fomeco; Futu1;  Disoco thuộc VEAM sẽ ngày càng phát triển.

2- Nhìn về dung lượng thị trường của các sản phẩm cơ khí: Khẳng định thị trường của sản phẩm cơ khí vẫn rất lớn trong những năm tới bao gồm: 

- Thị trường nội địa 100 triệu dân đang tiếp tục  xây dựng CNH đất nước thực hiện khát vọng của nhân dân và mục tiêu 2035, 2045 của Đảng và Nhà nước VN chúng ta;

- Thị trường quốc tế ngày càng phát triển mở rộng hơn do nước ta đã tham gia 16 Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương.

 Rõ ràng khi sản xuất mà nhìn thấy nhu cầu thị trường sẽ là căn cứ quan trọng để hoạch định đầu tư phát triển.

 Chúc các thành viên VAMI cùng toàn thể doanh nghiệp cơ khi nội địa Việt Nam chúng ta ngày càng phát triển bền vững./.

Đào Phan Long
Theo Cơ khí và Đời sống (tnttrang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu đánh giá lượng chất thải rắn bị rò rỉ ra môi trường khu vực quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh
Ngày nay, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) do con người thải bỏ tại các đô thị phần lớn đã được thu gom, tuy nhiên vẫn còn một phần bị rò rỉ và xả thải vào môi trường. Vì vậy, đánh giá lượng rác và thành phần rác bị rò rỉ ra môi trường là cần thiết trong bối cảnh công tác BVMT ngày càng được quan tâm. TP. Hồ Chí Minh là một đô thị lớn nhất Việt Nam, có khoảng 9 triệu người. Hiện nay, ước tính mỗi ngày trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.800 tấn CTRSH, tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 - 10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của thành phố khoảng 0,98 kg/người/ngày. Với tỷ lệ thu gom là 91% thì trung bình mỗi ngày ước tính sẽ có gần 900 tấn rác chưa được thu gom đúng cách, lượng chất thải này sẽ phát tán vào môi trường, theo các kênh rạch, sông chảy ra biển. Do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, chất thải nhựa dễ bị phân rã thành các mảnh vụn nhỏ và vi nhựa, dễ dàng rò rỉ vào môi trường.




Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->