Sức khỏe [ Đăng ngày (29/05/2023) ]
Khảo sát tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở thai phụ đến khám thai tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng
Nghiên cứu do tác giả Bùi Chung Thủy- Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Hồ Thị Tuyết Thu, Huỳnh Thị Ngọc Ánh, Lê Thị Thúy- Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng nghiên cứu nhằm khỏa sát tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở thai phụ đến khám thai tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai . Đây là một trong các bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp trong thai kỳ, không có triệu chứng điển hình và hầu hết được phát hiện tình cờ qua xét nghiệm sàng lọc trong suốt quá trình mang thai. Đái tháo đường thai kỳ xuất hiện vào khoảng tuần thứ 24-28 của thai kỳ, khi nhau thai bắt đầu sản xuất một lượng lớn các hormon gây kháng insulin và sẽ biến mất sau khi sinh 6 tuần. Cho tới nay đái tháo đường thai kỳ đang là một vấn đề đáng quan tâm của y tế vì tỷ lệ mắc bệnh cao, gia tăng nhanh và nếu không được phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều tai biến nặng nề cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình mang thai, trong và sau khi sinh như sẩy thai, tiền sản giật, thai chết lưu, hội chứng suy hô hấp cấp, tử vong chu sinh, thai to gây đẻ khó. Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ tăng huyết áp, đặc biệt có nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2 thực sự, sau này có khả năng tái phát mắc đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai tiếp theo. Trẻ sơ sinh của những bà mẹ có đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ hạ glucose máu, hạ canxi  máu, vàng da, khi trẻ lớn hơn sẽ có nguy cơ béo phì và đái tháo đường typ 2. Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng có thể điều trị được và người mẹ có kiểm soát glucose máu tốt có thể giảm rõ những nguy cơ nói trên.Từ các nghiên cứu trên, có thể thấy tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở nước ta không thấp và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng là cơ sở y tế có quy mô hoạt động lớn trên địa bàn Đà Nẵng, mỗi ngày đón tiếp hàng trăm người bệnh đến khám và điều trị. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu, báo cáo nào mới nhất về tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ tại Bệnh viện. Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu “Khảo sát tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở thai phụ đến khám thai tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng” với mục tiêu:   Xác định tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở thai phụ đến khám thai tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.  Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến đái tháo đường thai kỳ ở đối tượng nghiên cứu. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, được thực hiện trên 600 phụ nữ mang thai có tuổi thai từ tuần 24 đến tuần 28 đến khám thai. Thông tin bệnh nhân và kết quả xét nghiệm được thu thập thông qua phiếu nghiên cứu. Dữ liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS 20.0. Kết quả Tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ có thai là 15,8%. Có mối liên quan giữa ĐTĐ thai kỳ với tuổi thai, BMI của thai phụ trước khi mang thai, phụ nữ có tiền sử sẩy thai, thai chết  lưu và cân nặng của trẻ trong các lần sinh trước (p < 0,05).

Tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ có thai là 15,8%. Có mối liên quan giữa ĐTĐ thai kỳ với tuổi thai, BMI của thai phụ trước khi mang thai, phụ nữ có tiền sử sẩy thai, thai chết lưu và cân nặng của trẻ trong các lần sinh trước (p < 0,05).  Do đó  nên tiến hành khám tầm soát đái tháo đường thai kỳ cho tất cả thai phụ 24-28 tuần tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ.

ltnanh
Theo Tạp chí Y Dược học Cần Thơ, Số 58/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->