Tự nhiên [ Đăng ngày (29/05/2023) ]
Động vật có vú trở nên đa dạng từ bao giờ?
Một nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu hệ gene từ động vật có vú hiện đại để tái dựng quá trình tiến hóa của nhóm này, kể từ khi tổ tiên của động vật có vú đầu tiên xuất hiện khoảng 180 triệu năm trước.

Động vật có vú rất đa dạng và giỏi thích nghi. Chúng đã sống cạnh khủng long trong vòng 120 triệu năm, rồi sống sót khỏi vụ đại tuyệt chủng Phấn Trắng – Đệ Tam cách đây khoảng 66 triệu năm, giết chết toàn bộ khủng long, trừ tổ tiên của các loài chim hiện đại. Câu hỏi còn bỏ ngỏ là liệu loài có vú nhau thai đã phát triển trước hay sau vụ tuyệt chủng, khi không còn khủng long nữa.

Và câu trả lời mới đây đã đến từ một nghiên cứu tiên phong của các nhà khoa học tại trường Thú y và Khoa học Y sinh Texas A&M (Mỹ) về sự phát sinh chủng loài. Đây là ngành tìm hiểu về mối quan hệ tiến hóa và sự đa dạng hóa giữa các sinh vật đang sống và các loài đã tuyệt chủng.

Dùng dữ liệu của dự án Zoonomia, họ thiết lập nên một đồng hồ phân tử, cho phép xác định thời điểm tổ tiên chung của các nhóm động vật có vú xuất hiện, ngay cả khi không có lưu trữ hóa thạch.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng loài có vú bắt đầu phân hóa đa dạng trước sự kiện đại tuyệt chủng Phấn Trắng – Đệ Tam. Sự đa dạng hóa này là kết quả của quá trình trôi dạt lục địa, khiến những phần đất liền của Trái đất tách ra rồi nhập lại trong hàng triệu năm.

Một đợt bùng nổ sự đa dạng hóa khác diễn ra ngay sau khi khủng long tuyệt chủng, khi loài có vú có thêm không gian, tài nguyên, và sự ổn định. Điều này tăng tốc độ phân hóa đa dạng của các loài, dẫn tới nhiều giống động vật phong phú như nhóm ăn thịt, linh trưởng, và những loài có móng đang cùng sống trên Trái đất ngày nay.

Theo các nhà khoa học, đây là lần đầu tiên việc xác định thời điểm diễn ra những sự tái sắp xếp nhiễm sắc thể trong quá trình tiến hóa của loài có vú được dùng để làm rõ các vấn đề quan trọng trong sự phát sinh chủng loài có vú. Những dữ liệu này đã làm rõ mối quan hệ của hai bộ động vật có vú với các nhóm khác. Họ cho rằng phương pháp này còn có ích trong việc làm rõ các mối quan hệ phát sinh loài gây tranh cãi trong những khu vực khác của cây phát sinh loài nhân thực.

Nghiên cứu trên là một phần trong tổ hợp dự án Zoonomia – một nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm giải trình hệ gene của 240 loài có vú hiện đại để tìm hiểu về lịch sử tiến hóa của hệ gene người trong bối cảnh lịch sử tiến hóa của loài có vú, với các ứng dụng cho ngành bảo tồn cũng như cho sức khỏe con người và động vật.

Những kết quả nổi bật khác từ Dự án:

-  Ít nhất 10% hệ gene người được bảo tồn cao trên các loài có vú khác, cho thấy những khu vực quan trọng đối với sự sống các những quá trình cơ sở.

-  Xác định các vùng gene liên quan đến những đặc điểm dị thường, như ngủ đông, kích cỡ bộ não và khứu giác nhạy bén phi thường.

-  Loài có vú ít thay đổi di truyền hơn tại các vị trí bảo tồn trong bộ gene có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn, giúp các nhà khoa học xác định những loài nào cần bảo vệ.

- Từ việc so sánh với các loài động vật khác, các nhà khoa học xác định được những đột biến liên quan tới những căn bệnh thường gặp hay hiếm thấy ở người.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science.

Xem tin gốc tại: https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/dong-vat-co-vu-tro-nen-da-dang-tu-bao-gio/20230519035954201p1c160.htm
Đào Liên
Theo khoahocphattrien.vn (ntptuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
 
Lắng nghe bản thân
Nhằm hướng đến một lối sống an bình, tích cực, không lo âu. Sống cho giây phút hiện tại, chậm rãi quan sát và ghi nhận mọi thứ chính là mục tiêu của sống tỉnh thức. Dường như trong cuộc đời mỗi người đều đều sẽ phải trải qua những khoảng thời gian rơi vào guồng quay của công việc: ngày đi làm, tối về việc gia đình, rồi đi ngủ, sáng hôm sau một chu trình như vậy lại được lặp lại. Những lúc như thế nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, đừng ép buộc bản thân mình quá mà hãy để cơ thể và tâm trí bạn có cơ hội để nghỉ ngơi.


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->