Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (20/05/2023) ]
Đánh giá năng suất vật rụng của rừng ngập mặn phục hồi sau bão Durian (2006) tại Cần giờ, thành phố Hồ Chí Minh
Rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái có năng suất cao trên thế giới, đồng thời còn là bể chứa carbon khổng lồ, bất chấp việc chúng thường xuyên phải đối mặt với sự thiếu hụt dinh dưỡng. Bên cạnh chuỗi thức ăn bắt đầu bằng các sinh vật tự dưỡng, chuỗi thức ăn mùn bã cũng đóng góp quan trọng vào sự chu chuyển vật chất và năng lượng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Vật rụng không chỉ là nguồn thức ăn trực tiếp cho các loài động vật sinh sống trong rừng ngập mặn mà còn là nguồn dưỡng chất cho chính quần xã thực vật trong hệ sinh thái. Nghiên cứu này đánh giá năng suất vật rụng của rừng ngập mặn phục hồi sau bão Durian tại Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh từ 11/2019 đến 10/2020. Trình bày những thay đổi theo thời gian của năng suất vật rụng trong một khu rừng ngập mặn phục hồi sau khi bị xáo trộn nghiêm trọng do bão Durian (2006) tại Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các mẫu vật rụng được thu bằng các bẫy lưới đặt tại: rừng nguyên vẹn (F), rừng gãy đổ và không dọn dẹp (G) và rừng gãy đổ đã được dọn dẹp (R). Tổng năng suất vật rụng là 59,03 ± 8,76 g/m2 /tháng, 56,92 ± 5,99 g/m2 /tháng và 43,05 ± 9,22 g/m2 /tháng tương ứng với vùng F, G, R. Sự ưu thế của Rhizophora apiculata dẫn đến năng suất vật rụng vùng F cao hơn vùng R. Độ mặn trầm tích, sự loại muối qua lá và gió mạnh là nguyên nhân chính khiến năng suất vật rụng mùa khô cao hơn mùa mưa. Sau 13 năm phục hồi rừng ngập mặn, năng suất vật rụng ở rừng ngập mặn này thấp hơn nhiều so với rừng ngập mặn không bị xáo trộn tại Cần Giờ, cũng như các khu rừng ngập mặn khác ở Việt Nam và trên thế giới. Điều này cho thấy rừng ngập mặn khảo sát chưa bước vào giai đoạn thành thục và ổn định. Mặc dù vậy, năng suất vật rụng trong vùng rừng không bị bão Durian làm gãy đổ cao hơn so với hai vùng rừng còn lại. Sự ưu thế của Rhizophora apiculata trong vùng F là nguyên nhân dẫn đến năng suất vật rụng vùng này cao hơn vùng R, dù vùng F bắt đầu tái sinh trễ hơn. Diễn biến thời gian của năng suất vật rụng phản ánh đặc điểm vật hậu học của các loài thực vật rừng ngập mặn ở vùng nhiệt đới. Điều kiện môi trường trầm tích ôn hòa trong mùa mưa do sự pha loãng độ mặn là nguyên nhân làm giảm năng suất vật rụng trong thời gian này. Trong khi vào mùa khô, sự loại muối qua lá và do ảnh hưởng của gió mạnh mà năng suất vật rụng cũng như năng suất lá và cành rụng đều cao hơn so với mùa mưa.

Nghiên cứu do tác giả Hoàng Trọng Khiêm (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) và nhóm nghiên cứu cùng thực hiện. Kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM, Tập 19, Số 9 (2022): 1441-1452.

Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM (pcmy)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
   

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->