Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (19/12/2013) ]
Tăng trưởng xanh: Lý luận và thực tiễn
Thế giới hiện nay với những rủi ro chúng ta đang đối mặt, đặc biệt là những hệ lụy do biến đổi khí hậu gây ra, đòi hỏi chúng ta cần phải nhìn nhận toàn diện lại cách thức, mô hình phát triển kinh tế truyền thống. Nội hàm then chốt của tăng trưởng xanh là vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa bảo tồn được thiên nhiên cho các thế hệ mai sau, bảo vệ môi trường, phát triển các loại công nghệ sạch, sử dụng nguồn năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch.

Đây là một biện pháp hữu hiệu để đối phó với biến đổi khí hậu và cũng là cách để loài người thoát khỏi những thảm hoạ cho chính mình gây ra. Tăng trưởng xanh không chỉ là động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế toàn cầu, mà còn là mô hình và công cụ để thực hiện phát triển bền vững.

Thế giới trong thời gian gần đây ngoài việc phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội còn phải đối mặt với những thách thức về môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Dân số thế giới tăng nhanh đã khiến cho nhu cầu về đất, nước, nơi cư trú, năng lượng tăng kèm theo khí thải, rác thải cũng tăng nhanh đã làm tăng áp lực lên môi trường sinh thái. Nhu cầu tìm kiếm những công cụ mới và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện có để giải quyết hiệu quả các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt, đồng thời có thể biến những thách thức thành cơ hội để phát triển càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tăng trưởng xanh chính là con đường vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa duy trì bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung chủ yếu của bài viết sẽ làm rõ tính tất yếu của tăng trưởng xanh, nội hàm của khái niệm, những tranh luận xung quanh vấn đề tăng trưởng xanh, xu hướng tăng trưởng xanh của thế giới và Hàn Quốc.

Tính tất yếu của tăng trưởng xanh

Vấn đề về môi trường và phát triển bền vững đã được thảo luận nhiều năm qua nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế. Với hơn 500 công ước và văn bản được xây dựng từ sau năm 1992 và với hơn 100 nước thông báo rằng họ đang thực hiện chiến lược tăng trưởng bền vững quốc gia (Liên Hợp Quốc, 2011), có vẻ như thế giới đang thực hiện chương trình phát triển bền vững đầy đủ và hiệu quả. Tiếc thay việc thực hiện bị cản trở bởi một khuôn khổ tràn lan và vụn vặt, những hành động chồng chéo và sao chép, sự quản lý tuỳ tiện và không nhất quán (Liên Hợp Quốc 2010b). Trong khi cái nôi nuôi dưỡng chúng ta - hệ sinh thái - với tài nguyên hữu hạn và khả năng hấp thụ chất thải đang tiến đến bão hoà thì việc tìm ra một chiến lược tăng trưởng mới thiết thực hơn, cụ thể hơn là vô cùng cần thiết.

Hai thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến hàng loạt các cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội cũng như môi trường. Khủng hoảng tài chính Châu Á những năm cuối của thế kỷ XX, khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2008 – 2009, biến động xã hội đã xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới. Các thảm hoạ thiên nhiên xảy ra đều được mô tả với các đánh giá như “chưa từng có trong lịch sử” hay “lớn nhất trong hàng thập niên qua”, thể hiện tần suất gia tăng thiên tai liên tục, phá vỡ mức độ tàn phá trước đây. Từ năm 2010 đến nay đã diễn ra trận lụt dữ dội chưa từng có ở Pa-ki-xtan, Thái Lan, đợt nắng nóng nhất từ 1.000 năm qua ở Nga, lở đất kinh hoàng ở Trung Quốc, Trung Âu chìm trong biển nước, động đất ở Haiti. Chi-lê, Nhật Bản… Nhân loại bàng hoàng trước những hậu quả khủng khiếp mà thiên tai để lại, còn các nhà nghiên cứu thì đều có chung giải thích, đây chính là những hậu quả nhãn tiền của tình trạng biến đổi khí hậu đã được cảnh báo. Tiến sĩ Nguyễn Thọ Nhân trong lời tựa cuốn sách của mình đã cho rằng “Trong quá trình tiến hoá của nhân loại, có lẽ loài người chưa bao giờ đứng trước một thách thức nghiêm trọng và phức tạp như hiện nay : đó là hiện tượng biến đổi khí hậu và những hệ luỵ của nó. Những hệ lụy đó đã, đang và sẽ làm đảo lộn cuộc sống của nhân loại, làm tiêu tan bao nhiêu công phu mà con người đã bỏ ra để xây dựng một thế giới giàu đẹp trên các mặt vật chất và tinh thần”.

 

Nguồn: www.bbc.co.uk

Nhiều nhà nghiên cứu đã đồng ý với các tác giả của tác phẩm “Giới hạn của sự tăng trưởng” – The limits to growth” về 3 nguyên nhân cơ bản làm cho tình trạng môi trường xấu đi và hạn chế sự phát triển kinh tế trong tương lai. Đó là sự tăng trưởng quá nhanh về dân số và công nghiệp mà không tính tới yếu tố môi trường, giới hạn của tự nhiên và sự phản ứng chậm trễ của con người trước các biến cố về môi trường. Thật vậy, dân số thế giới đã tăng với tốc độ quá nhanh, từ nửa tỉ người năm 1650 đã tăng lên 1,6 tỉ năm 1900, 3,3 tỷ năm 1960, lên hơn 6 tỉ năm 2000 và tăng lên 7 tỉ vào tháng 10 năm 2011. Mặc dù từ thập niên 90 của thế kỉ XX tỉ lệ tăng dân số đã giảm từ 2% xuống 1,2% song tốc độ tăng vẫn là rất nhanh. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp cũng cực kỳ ấn tượng, từ năm 1930 đến năm 2000 giá trị tính ra tiền của công nghiệp thế giới tăng 14 lần, trung bình cứ 19 năm tăng gấp đôi. Nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh làm các nguồn tài nguyên kiệt quệ nhanh chóng, tạo ra các chất thải vào môi trường sống gây ra nhiều biến cố về sinh thái. Loài người đã phản ứng chậm trễ thể hiện trên các mặt thông tin, ra quyết định và hành động, hậu quả là hiện trạng môi trường ngày càng trầm trọng.

Trước sự nổi giận của tự nhiên với những hậu quả nặng nề từ sự biến đổi khí hậu, thế giới đang đặt ưu tiên cho việc giảm phát thải khí nhà kính. Một mô hình tăng trưởng mới – tăng trưởng xanh hay tăng trưởng ít các bon chú trọng tới sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện với môi trường đã hình thành.

Khái niệm tăng trưởng xanh

Cho tới bây giờ vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn về tăng trưởng xanh trong các cuộc bàn luận chính sách và trong công chúng. Khái niệm này có thể có phạm vi hẹp như đáp ứng một yêu cầu cụ thể như cải thiện môi trường đến sự kết hợp giữa giảm phát thải với tăng trưởng, đến một kế hoạch toàn diện nhằm cải thiện tính hiệu quả và tính bền vững về tài nguyên môi trường.

Uỷ ban kinh tế xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (NESCAP) đã định nghĩa :”Tăng trưởng xanh là chiến lược tìm kiếm sự tối đa hoá trong sản lượng kinh tế và tối thiểu hoá gánh nặng sinh thái. Cách tiếp cận mới tìm kiếm sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và tính bền vững môi trường bằng việc thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong sản xuất và tiêu dùng xã hội”.

Khái niệm tăng trưởng xanh lần đầu tiên được đưa ra cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2005 khi đây là khu vực được coi là dễ bị tổn thương nhất trước các biến cố về môi trường. Có nhiều nguyên nhân khiến khu vực này cần phải nhanh chóng chuyển sang tăng trưởng xanh. Trước hết ở đây có những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng nề do thường sử dụng công nghệ lạc hậu và hoạt động dưới một chế độ kiểm soát ô nhiễm yếu, sản xuất công nghiệp trong khu vực giai đoạn 1995 – 2002 đã tăng 40%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 23% của thế giới. Thứ hai là sản xuất nông nghiệp từ năm 1992 đến 2002 đã tăng 62% mà phần lớn là do sử dụng nhiều hoá chất nông nghiệp vượt xa mức trung bình của thế giới. Thứ ba là sự tăng trưởng của cư dân đô thị với 600 đến 800 triệu người trong khu vực được cho là không được cung cấp đầy đủ về vệ sinh. Thứ tư, sự phát triển trong xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn và hạ tầng giao thông không theo kịp với sự tăng dân số đô thị. Cuối cùng là nhu cầu về nước tăng đã gây áp lực đáng kể lên môi trường. Đây là khu vực chiếm tới 2/3 số người nghèo của thế giới. UNESCAP đã gợi mở xu hướng tăng trưởng xanh để giúp các nước Châu Á và Thái Bình Dương hướng tới phát triển bền vững, tìm kiếm sự hoà hợp giữa hai nhu cầu “tăng trưởng kinh tế” và “bền vững về môi trường”, tạo ra sự phối hợp cùng thắng (win – win) giữa môi trường và kinh tế và để cho môi trường được coi như một cơ hội hơn là chi phí và gánh nặng đối với nền kinh tế và doanh nghiệp.

Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) đã gộp những xu hướng xanh vào trong Nền kinh tế xanh hoặc Thoả thuận xanh mới toàn cầu. Tương tự như khái niệm tăng trưởng xanh của UNESCAP, những khái niệm này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thay đổi cơ cấu trong sản xuất và tiêu dùng. “Một nền kinh tế xanh là nền kinh tế trong đó bao gồm những mối liên hệ sống còn giữa kinh tế, xã hội và môi trường, và trong đó sự chuyển dịch quá trình sản xuất, cơ cấu sản xuất và tiêu dùng vừa góp phần làm giảm rác thải, ô nhiễm, sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, năng lượng trên một đơn vị sản phẩm, vừa tạo ra những cơ hội việc làm, thúc đẩy thương mại bền vững, giảm nghèo, cải thiện công bằng và phân phối thu nhập”.

Ngoài Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế cũng chú ý đến tăng trưởng xanh. Vào tháng 6 năm 2009, Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) được yêu cầu xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh để tìm kiếm một sự hồi phục kinh tế nhanh chóng trong khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu thông qua sự phát triển bền vững về sinh thái và xã hội.

Kỳ họp thứ 6 các bộ trưởng môi trường (MCED) của các nước Châu Á – Thái Bình Dương vào cuối tháng 9 năm 2010 tại Kazakhstan tái khẳng định :“tăng trưởng xanh, khi áp dụng thích hợp với tình hình cụ thể của một đất nước và khi được hiểu trong bối cảnh phát triển bền vững là một trong những xu hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nhanh, cho việc đạt tới các mục tiêu của Thiên niên kỷ và sự bền vững về môi trường”. Hội nghị cũng xác định 5 chính sách chủ yếu để dịch chuyển sang tăng trưởng xanh. Đó là : (1) Chuyển từ tăng trưởng theo số lượng sang chất lượng; (2) Quốc tế hoá giá sinh thái; (3) Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững; (4) Chuyển việc bảo vệ môi trường thành cơ hội kinh doanh; (5) Thúc đẩy các hoạt động kinh tế ít các bon.

Nói một cách ngắn gọn : Tăng trưởng xanh là quá trình xanh hoá hệ thống kinh tế truyền thống và là chiến lược để tiến tới một nền kinh tế xanh. Đây là một phần chứ không phải là sự thay thế cho phát triển bền vững. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009, tăng trưởng xanh đã được dư luận và các nhà phân tích chính sách chú ý nhiều hơn bởi tăng trưởng xanh hứa hẹn giải quyết đồng thời những vấn đề khí hậu và tăng trưởng.

Xu hướng quốc tế và một số nội dung chính về tăng trưởng xanh

Đến nay, thực tế cho thấy tăng trưởng xanh đã được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới trong nỗ lực đạt được sự phát triển bền vững. Trong đó, đáng chú ý nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản ở Châu Á, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan… ở Châu Âu đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh. Còn tại các nước trong khu vực, ví dụ như Lào cũng đang trong quá trình xây dựng một lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia. Campuchia cũng đang nỗ lực xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết sau khi ban hành lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia. Trung Quốc cũng đã có kế hoạch phát triển quốc gia nhấn mạnh vào nền kinh tế tuần hoàn trong khi Thái Lan nhấn mạnh vào nền kinh tế đầy đủ với những đặc điểm chính của nền kinh tế xanh và Việt Nam cũng đang xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh.

Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh, đó là cách tiếp cận theo từng khu vực của nền kinh tế, hoặc đó là cách tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững… Tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề : sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hoá các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh và các ngành công nghiệp sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.

Bên cạnh đó, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy rằng việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước “nhảy vọt” để phát triển kinh tế mà không cần theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”. Tiềm năng này thực tế bắt nguồn từ một sân chơi đang thay đổi đó là thế giới hiện nay với những rủi ro chúng ta đang đối mặt đã tạo ra những thay đổi cơ bản đòi hỏi chúng ta cần phải nhìn nhận toàn diện lại cách thức, mô hình phát triển kinh tế truyền thống, đồng thời cũng đòi hỏi một tư duy hoàn toàn mới về cách tiếp cận với nền kinh tế của chúng ta.

Gần đây nhất, tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tháng 11 năm 2011 tại đảo Hawaii, Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố Honolulu, trong đó, APEC xác định cần phải giải quyết các thách thức môi trường và kinh tế của khu vực bằng cách hướng đến nền kinh tế xanh, các bon thấp, nâng cao an ninh năng lượng và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và việc làm. Năm 2012, APEC sẽ phát triển danh mục hàng hoá môi tửờng (hàng hoá xanh) và giảm thuế quan đối với các mặt hàng này vào cuối năm 2015. APEC sẽ xoá bỏ rào cản phi thuế quan bao gồm các yêu cầu tỉ lệ nội địa hoá đối với các dịch vụ và hàng hoá môi trường. Để thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng xanh, APEC sẽ thực hiện các biện pháp như giảm 45% mức độ sử dụng năng lượng của APEC vào năm 2035 so với năm 2005, kết hợp các chiến lược phát triển về thải các bon thấp vào các kế hoạch tăng trưởng kinh tế.

Để xây dựng nền kinh tế ít các bon, đầu tháng 12 năm 2011, Hội nghị biến đổi khí hậu tại Nam Phi với 194 nước tham dự đã nhất trí thành lập Quỹ khí hậu xanh và các bước đi mới nhằm thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2020. Theo thoả thuận mới đạt được, tất cả các nước đều phải thực hiện cam kết kiểm soát khí thải theo cùng một khuôn khổ pháp lý. Thoả thuận sẽ có hiệu lực muộn nhất là vào năm 2020. Các đại biểu cũng nhất trí gia hạn Nghị định thư Kyoto thêm 5 năm nữa khi hiện tại chỉ có các nước công nghiệp phát triển phải thực hiện các chỉ tiêu mang tính ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải. Kết quả của hội nghị cho thấy thế giới đang đi tới sự nhất trí cao trong việc giảm phát thải khí nhà kính, một trong những yếu tố cơ bản để có được nền kinh tế các bon thấp hay còn gọi là kinh tế xanh.

Tăng trưởng xanh của Hàn Quốc

Theo Chính phủ Hàn Quốc, tăng trưởng xanh đem đến một giai đoạn mới cho phát triển kinh tế, giúp thoát khỏi sự mâu thuẫn giữa “xanh” và “tăng trưởng”. Tăng trưởng xanh sẽ là nguyên tắc chỉ đường cho sự phát triển đối với Hàn Quốc thông qua việc duy trì hoạt động kinh tế hiệu quả trong khi tối thiểu hoá áp lực về môi trường và coi việc đầu tư vào môi trường như là biện pháp để phát triển kinh tế.

Tăng trưởng xanh hay tăng trưởng ít các bon đã được Tổng thống Lee Myung Bak chính thức công bố trong bài phát biểu nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập nước Đại Hàn dân quốc 15 tháng 8 năm 2008. Kế hoạch Thích ứng với biến đổi khí hậu và năng lượng quốc gia của Hàn Quốc được thông qua ngày 20/08/2008 đã đưa ra mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái sinh lên đến 11% trong tổng mức năng lượng sử dụng vào năm 2030.

Gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới” được công bố tháng 1/2009 trị giá 50 nghìn tỉ won (tương đương 38,5 tỉ USD) trong 4 năm dành cho 9 dự án xanh chính và một số dự án lớn, qua đó tạo 956.000 việc làm xanh mới. 9 dự án này bao gồm : khôi phục 4 dòng sông chính; xây dựng hệ thống giao thông xanh; xây dựng cơ sở dữ liệu về lãnh thổ và tài nguyên quốc gia; quản lý nguồn tài nguyên nước; ô tô xanh và chương trình năng lượng sạch hơn; chương trình tái sinh tài nguyên; quản lý rừng và chương trình sinh học; nhà xanh, văn phòng xanh và trường học xanh; phong cảnh và cơ sở hạ tầng xanh.

Để giám sát việc triển khai những sáng kiến về tăng trưởng xanh và tạo ra một động lực mạnh mẽ, Uỷ ban điều hành về tăng trưởng xanh đã được thiết lập vào tháng 2/2009. Uỷ ban này gồm 47 thành viên là các bộ trưởng hữu quan, các chuyên gia và những người tham gia trong lĩnh vực tư nhân. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đề xuất một luật khung mới về tăng trưởng xanh, đề cập đến tất cả các vấn đề có liên quan đến năng lượng, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy việc phát triển những ngành công nghiệp và công nghệ xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành công nghiệp này. Số lượng dự án của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp xanh đã tăng hơn 40% kể từ năm 2009, đã có 400 trường hợp được cấp chứng chỉ xanh của chính phủ. Với mục tiêu giảm khí thải nhà kính tới 30% vào năm 2020 so với mức của năm 2005, gần 500 doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động theo hệ thống quản lý năng lượng và khí thải nhà kính quốc gia. Năm 2011, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật nhằm hạn chế khí thải nhà kính và phát triển quản lý năng lượng.

Để thay đổi cơ cấu tiêu dùng và đưa ý tưởng xanh vào trong cộng đồng Chính phủ Hàn Quốc đã phát hành thẻ tín dụng xanh. Người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và tiết kiệm trong chi tiêu, đồng thời sẽ nhận được điểm thưởng khi sử dụng các sản phẩm xanh. Điểm thưởng có thể được quy đổi thành tiền mặt hoặc dùng để giảm giá các hoá đơn thanh toán.

Hàn Quốc đang chú trọng đầu tư các loại xe cơ giới chạy bằng điện không xả khí độc hại, đặc biệt là khí NO­­­2 nguyên nhân chủ yếu gây ra mưa axit ra môi trường vì thế chúng được gọi là “phương tiện giao thông của tương lai”. Mẫu ô tô BlueOn, xe buýt điện ở Seoul là một trong những cách làm hữu hiệu để giảm phát thải khí nhà kính. Chẳng hạn như sử dụng 1 chiếc xe buýt điện thay thế 1 chiếc xe thông thường thì có thể giảm được khoảng 40 tấn CO2 trong 1 năm. Theo đó, nếu kế hoạch vận hành 3600 chiếc xe điện trở thành hiện thực vào năm 2020 thì có thể giảm chừng 150 nghìn tấn CO2, tương đương với việc trồng 2,5 triệu cây thông để hấp thụ khí các bon. Ngoài ra, nó cũng giúp giảm khoảng 800 tấn ô xít nitơ (Nox) hàng năm, nhờ đó môi trường không khí sẽ được cải thiện nhiều. Hàn Quốc đang xây dựng vùng thử nghiệm lưới điện thông minh tiên tiến và rộng nhất thế giới trên đảo Jeju và sẽ mở rộng ra cả nước vào năm 2030.

Các chính quyền địa phương cũng đang tham gia vào cuộc đua xanh. Việc áp dụng xe buýt chạy bằng khí ga hoá lỏng, sử dụng xe ô tô chạy điện, thay thế bóng điện ở những nơi công cộng bằng đèn LED, khuyến khích các cửa hiệu xanh, xây dựng “rừng đô thị”… đang là xu thế tăng trưởng xanh cho các chính quyền địa phương.

Hàn Quốc đang hướng tới nền kinh tế xanh trước hết bằng việc thúc đẩy mô hình phát triển mới, nuôi dưỡng ngành công nghiệp xanh như là động cơ tăng trưởng mới, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, cải tiến sự cạnh tranh toàn cầu và hàn gắn căn bệnh hiện tại của nền kinh tế về tăng trưởng, thất nghiệp. Với khẩu hiệu “Tất cả vì một cộng đồng giàu có”, Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy việc cải thiện điều kiện sống của người dân, và đã thành công đáng kể trong việc khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân, số lượng gia đình tham gia vào hệ thống giảm thiểu khí thải các bon đã tăng lên 2 triệu vào tháng 2/2011. Hàn Quốc cũng chú trọng các hoạt động hỗ trợ các nước đang phát triển trong các thoả thuận quốc tế để chống biến đổi khí hậu và hợp tác với các nước trong tăng trưởng xanh.

 

Nguồn: ens-newswire.com

Hàn Quốc và Đan Mạch đã nhất trí thành lập mô hình “Đồng minh tăng trưởng xanh” vào tháng 5 năm 2011. Đây là một khái niệm đồng minh mới vì từ trước tới nay quan hệ đồng minh quốc tế chủ yếu bao hàm các lĩnh vực chính trị và quân sự. Quan hệ đồng mình giữa hai nước sẽ kết hợp tiềm lực của ngành công nghiệp chế tạo Hàn Quốc và công nghệ thân thiện với môi trường của Đan Mạch để khai thác thị trường tăng trưởng xanh giàu tiềm năng trên thế giới. Đối với Hàn Quốc, đây là bước đi đầu tiên trên con đường gia nhập hàng ngũ các nước đi đầu trong lĩnh vực kinh tế xanh, thân thiện với sinh thái. Tổng thống Lee Myung Bak bày tỏ hy vọng, mô hình đồng minh mới sẽ đưa Hàn Quốc và Đan Mạch trở thành một tổng thể dẫn dắt thế giới bước vào nền kinh tế xanh.

Có thể thấy rõ tăng trưởng xanh đã bắt đầu bén rễ trong nền kinh tế Hàn Quốc. Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc đã tiếp cận tới tất cả các khu vực của nền kinh tế từ phát điện đến các ngành công nghiệp, nông nghiệp, rừng, sử dụng đất, xây dựng nhà ở, giao thông, lối sống… và sự tiếp cận toàn diện trong chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tối đa hoá sự phối hợp giữa bên cung và bên cầu của thị trường.

Kết luận: Tăng trưởng xanh với nhiều cách tiếp cận và cũng bao gồm nhiều nội dung, mà tuỳ theo điều kiện cụ thể của mỗi nước, mỗi thời kỳ có thể lựa chọn thực hiện. Nội hàm then chốt của nền kinh tế xanh là phải bảo tồn được thiên nhiên cho các thế hệ mai sau, bảo vệ môi trường, phát triển các loại công nghệ sạch, sử dụng nguồn năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Tăng trưởng ít các bon là một biện pháp hữu hiệu để đối phó với biến đổi khí hậu và cũng là cách để loài người thoát khỏi những thảm hoạ do chính mình gây ra.

ThS. Phạm Thị Xuân Mai
Theo vanhoahoc.vn (nttung)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Tập tục tu báo hiếu học làm người vùng Bảy Núi
Mùa hè cũng là lúc cao điểm số đông thanh niên Khmer (đặc biệt là vùng Bảy Núi, An Giang) bắt đầu vào mùa tu báo hiếu. Đây là một tập tục truyền thống lâu đời mang ý nghĩa báo hiếu ông bà, cha mẹ theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông Khmer của đồng bào Khmer.




Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->