Ngày CNTT Nhật Bản 2012
“Tuần CNTT Nhật Bản - Japan ICT Week 2013” doHiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam(Vinasa) và Câu lạc bộ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản (VJC) phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Sự kiện sẽ diễn ra trong 4 ngày với nhiều hoạt động phong phú: Các hội thảo về hợp tác DN Việt – Nhật, Diễn đàn phát triển Kinh doanh hải ngoại (Offshore), Cuộc thi viết ứng dụng cho điện thoại thông minh và máy tính bảng, Hội chợ việc làm, thăm công ty, gặp gỡ và tìm kiếm đối tác giữa các công ty Việt Nam – Nhật Bản và một số hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch khác,…
Đây là năm đầu tiên sự kiện được tổ chức ở cả 2 địa điểm là Hà Nội và Đà Nẵng, đồng thời cũng là năm có quy mô thu hút đông nhất, với trên 60 DN CNTT hàng đầu của Nhật Bản sang Việt Nam, trong đó có đoàn 15 DN thuộc Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA- hiệp hội CNTT lớn nhất của Nhật). Bên cạnh đó, sẽ có khoảng 30 DN Nhật đang hoạt động tại Việt Nam và gần 200 DN Việt Nam tham dự sự kiện.
Theo Vinasa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường, tăng qui mô và chiều sâu trong hợp tác CNTT với Nhật Bản. Theo bản báo mới nhất của Cơ quan Xúc tiến CNTT Nhật Bản (IPA), năm 2012 Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản với 23% lượng đơn đặt hàng, vượt trên Ấn Độ (13,7%). Đặc biệt, từ năm 2009 Việt Nam giữ vững vị trí là đối tác được ưa thích nhất của các DN Nhật Bản với 31,5% phiếu bình chọn của DN Nhật (Ấn Độ là 20,6% và Trung Quốc là 16,7%).
Hiện, tất cả các DN phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh từ thị trường Nhật Bản, một số công ty đã chuyển hẳn sang 100% phục vụ thị trường Nhật như Luvina, Run System,… Riêng FPT Software, công ty phần mềm lớn nhất Đông Nam Á trực thuộc Tập đoàn FPT hiện có trên 50% doanh thu là từ thị trường Nhật Bản.
PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa, đồng thời cũng là Chủ tịch FPT chia sẻ: “Nhật Bản là thị trường chi tiêu CNTT có qui mô trên 130 tỷ USD, lớn thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và EU. Do nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết là thiếu hụt nhân lực, các DN CNTT Nhật phải dựa vào hợp tác với các DN CNTT nước ngoài mới đủ sức đáp ứng nhu cầu trong nước. Làn sóng tìm kiếm đối tác hải ngoại ổn định của các DN Nhật hiện nay là cơ hội lớn đối với các nước ASEAN. Đặc biệt là Việt Nam có rất nhiều yếu tố lợi thế như: tương đồng văn hóa, khoảng cách địa lý, sự ổn định về chính trị, quan hệ giữa hai chính phủ - nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác, nguồn nhân lực giá rẻ... “Vấn đề là Việt Nam có quyết tâm và sẵn sàng nắm bắt cơ hội. Riêng với FPT thì Nhật Bản là quốc gia quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT”, ông Bình nhấn mạnh. |