Cơ khí [ Đăng ngày (24/10/2011) ]
Máy sấy bơm nhiệt
Thạc sĩ Hoàng Tiến Cường và nhóm cộng sự tại Viện Công nghệ Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại TPHCM) đã chế tạo thành công thiết bị sấy nông sản, thực phẩm giúp chất lượng sản phẩm ổn định, không bị biến tính

Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy hiện nay, để sấy lạnh thực phẩm, dược phẩm bằng phương pháp tách ẩm – bơm nhiệt, một số nơi trong nước sử dụng máy móc, thiết bị nhập từ nước ngoài. Các thiết bị này không chỉ đắt tiền mà công nghệ thường không phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhất là trong những ngày độ ẩm lên cao nên chất lượng sản phẩm sau khi sấy kém. Một số đơn vị dù sử dụng thiết bị ngoại nhập vẫn phải sử dụng thêm máy hút ẩm sản xuất trong nước mới bảo đảm sản xuất liên tục, ổn định. Hầu như các thiết bị ngoại đều tiêu hao khá nhiều năng lượng, ngoài ra, do điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam nên sau một thời gian hoạt động, các thiết bị ngoại thường không bảo đảm các thông số kỹ thuật ban đầu.

 Làm chủ công nghệ bơm nhiệt

Theo thạc sĩ Hoàng Tiến Cường, với công nghệ sấy đối lưu cổ điển có những hạn chế như thời gian sấy lâu, chi phí năng lượng cao, các nguyên liệu không bền nhiệt sẽ dễ bị biến tính như nấm, mực, cá, chế phẩm sinh học... Nhiều nghiên cứu cho thấy để khắc phục những hạn chế vừa nêu, cần phải sử dụng nguyên lý bơm nhiệt. Bản chất của nguyên lý bơm nhiệt là “vận chuyển” nhiệt từ vùng 1 đến vùng 2. Khi đó vùng 1 sẽ lạnh do mất nhiệt, còn vùng 2 sẽ nóng do được cấp nhiệt. Năng lượng tiêu tốn trong quá trình chỉ là năng lượng sử dụng để “vận tải” nhiệt chứ không phải sinh ra nhiệt. Không khí khi đi qua vùng 1 sẽ lạnh xuống dưới điểm sương, hơi nước trong không khí sẽ ngưng tụ và tách ra; khi qua vùng 2, không khí sẽ được gia nhiệt. Kết hợp quá trình tách ẩm và hiệu ứng bơm nhiệt trong công nghệ sấy đối lưu sẽ giải quyết được những khó khăn trong quá trình chế biến, bảo quản các sản phẩm không bền nhiệt, làm cho quá trình sấy trở nên hiệu quả, kinh tế hơn.

Thạc sĩ Hoàng Tiến Cường cùng nhóm cộng sự tập trung công sức gần 2 năm và đã hoàn tất việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và lắp đặt thiết bị sấy lạnh bằng bơm nhiệt ứng dụng để sấy dược phẩm, thực phẩm, nông sản trong điều kiện Việt Nam. 

Phù hợp điều kiện trong nước

Thạc sĩ Hoàng Tiến Cường cho biết thiết bị sấy lạnh bằng bơm nhiệt mà nhóm đã nghiên cứu chế tạo có thể ứng dụng cho các sản phẩm không bền nhiệt, dễ bị biến tính khi sấy bằng thiết bị sấy đối lưu thông thường như các loại nấm (nấm linh chi, nấm rơm, nấm bào ngư…); thủy hải sản (cá, mực, tôm…); rau củ quả (gấc, chuối, rau cải, hành…); các chế phẩm sinh học, dược phẩm… Thiết bị này được thiết kế phù hợp với điều kiện sử dụng trong nước, dễ vận hành. Thiết bị có chương trình điều khiển tự động, quá trình điều khiển và khống chế nhiệt độ cũng như thời gian theo từng giai đoạn nên làm tăng hiệu quả của quá trình sấy. Một ưu điểm khác của thiết bị sấy này là một phần nước trong không khí được tách ra trước khi đưa vào buồng sấy nên động lực của quá trình sấy tăng lên đáng kể, rút ngắn thời gian sấy, giảm đáng kể chi phí vận hành.

 Theo nhóm nghiên cứu, ngoài HTX Phú Lương I, thiết bị sấy lạnh bằng bơm nhiệt còn được chuyển giao cho HTX La Chữ (Huế); Công ty NTL Biotech (TPHCM); Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (TPHCM); Công ty Bao bì Sài Gòn Traphaco…

 

Sản phẩm sau sấy rất đẹp

Thiết bị sấy lạnh bằng bơm nhiệt đã được chuyển giao cho HTX Phú Lương I, xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế để sấy nấm linh chi.

Ông Nguyễn Thụ, đại diện HTX Phú Lương I, cho biết: Với việc sử dụng máy sấy bằng bơm nhiệt, chúng tôi đã giải quyết được hết những khó khăn trước đây. Các sản phẩm nấm linh chi, bào ngư, nấm rơm… sau sấy đẹp, giữ nguyên màu sắc tươi như ban đầu; thời gian sấy rút ngắn đáng kể. So với cách sấy cũ thì năng lượng tiêu hao của quá trình sấy lạnh bằng bơm nhiệt thấp hơn 2,6 lần; giảm được chi phí sản xuất 42,2%...

Đức Huy
Theo http://nld.com.vn (htthanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn



Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->