Tuy nhiên, nếu giới hạn tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C, ít nhất 54% các sông băng này có thể được bảo tồn, gấp đôi so với kịch bản nóng lên 2,7°C. Những phát hiện này được công bố ngày 29 tháng 5 năm 2025 trên tạp chí Science, cho thấy ngay cả mức tăng nhiệt trung bình hiện tại là 1,2°C cũng khiến khoảng 39% khối lượng sông băng toàn cầu biến mất so với năm 2020, làm mực nước biển toàn cầu dâng thêm trên 10 cm.
Trong nghiên cứu, một nhóm gồm 21 nhà khoa học từ mười quốc gia đã sử dụng tám mô hình sông băng để dự đoán lượng băng mất đi từ hơn 200.000 sông băng ngoài Greenland và Nam Cực, dựa trên nhiều kịch bản nhiệt độ toàn cầu khác nhau, giả định rằng mức nhiệt sẽ duy trì ổn định trong hàng nghìn năm. Nhà nghiên cứu Harry Zekollari, từ Vrije Universiteit Brussel và ETH Zurich, cho biết: "Những quyết định chúng ta đưa ra hôm nay sẽ ảnh hưởng tới nhiều thế hệ, quyết định mức độ bảo tồn các sông băng của chúng ta trong tương lai xa". Theo đó, các sông băng sẽ mất khối lượng nhanh trong những thập kỷ đầu, rồi tan chảy chậm lại trong nhiều thế kỷ tiếp theo, dù không còn thêm nhiệt độ tăng nữa. Quá trình này sẽ khiến các sông băng dần tiêu biến đến khi đạt tới trạng thái cân bằng mới, dưới tác động lâu dài của nhiệt độ hiện tại.
Mất sông băng không chỉ góp phần làm mực nước biển dâng cao mà còn đe dọa nhiều hệ sinh thái và an ninh nguồn nước, đồng thời làm gia tăng các rủi ro thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất và gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế du lịch dựa vào cảnh quan sông băng. Các chính sách hiện nay dự đoán sẽ dẫn đến mức nhiệt trung bình tăng khoảng 2,7°C, và theo nhà khoa học Daniel Farinotti, mức độ nóng thêm mỗi 0,1°C sẽ khiến thế giới mất thêm khoảng 2% lượng băng sông băng. Nghiên cứu này chính là một lời nhắc nhở cấp thiết về nhu cầu hành động gấp để hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu, nhằm bảo vệ các sông băng trên thế giới. Kết quả do nhóm tại ETH Zurich, đặc biệt từ Phòng thí nghiệm Thủy lực, Thủy văn và Băng hà học, tiến hành như một phần của Dự án So sánh Mô hình Băng hà (GlacierMIP) và dự án Khí hậu và Băng quyển (CliC), góp phần quan trọng vào Năm quốc tế bảo tồn sông băng của Liên hợp quốc. |