Giun nhiều tơ là một lớp thuộc ngành giun đốt, sống ở môi trường nước biển và đôi khi nước lợ. Chúng có đặc điểm nổi bật là nhiều tơ (lông) ở hai bên đốt cơ thể, giúp di chuyển và cảm nhận môi trường. Chúng là nguồn protein, lipid có thể thay thế bột cá và dầu cá.
Gần đây, việc sử dụng giun nhiều tơ làm thức ăn tươi sống chính trong nuôi vỗ thành thục, phát dục tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ đang ngày càng phổ biến trong các trại sản xuất tôm giống ở đồng bằng sông Cửu Long như Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Hiện nay giun nhiều tơ được khai thác nhiều trong các đầm nuôi tôm quảng canh ở khu vực rừng ngập mặn, nhất là ở Cà Mau. Việc khai thác quá mức dẫn đến suy giảm nguồn lợi, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, chuỗi thức ăn tự nhiên và những lợi ích quan trọng của nhóm sinh vật này trong các đầm nuôi.
Trước thực tế này, Sở KH&CN Cà Mau đã triển khai đề tài “Nghiên cứu hiện trạng nguồn lợi và sinh sản nhân tạo, nuôi thử nghiệm loài giun nhiều tơ (rươi) Dendronereis chipolini ở vùng rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau”, Trường Đại học Cần Thơ là đơn vị thực hiện.
Kết quả điều tra cho thấy vùng khai thác giun nhiều tơ chính là đầm tôm rừng ngập mặn và đầm nuôi tôm quảng canh. Ở Ngọc Hiển, vùng khai thác hoàn toàn là trong rừng ngập mặn. Ở khu vực Năm Căn tỷ lệ rừng ngập mặn chỉ chiếm 77%, còn lại là đầm nuôi tôm quảng canh, 23%. Ở Đầm Dơi thì ngược lại, vùng khai thác là đầm nuôi tôm quảng canh chiếm 67%, rừng ngập mặn 33%.
Có tất cả 15 loài giun nhiều tơ được ghi nhận ở rừng ngập mặn Cà Mau. Trong đó, loài D. chipolini phát triển phổ biến ở đầm ao nuôi tôm, rừng ngập mặn, hàm lượng dinh dưỡng cao nênđược khai thác thường xuyên. Đây cũng là loài giun có tiềm năng sinh sản và nuôi nhân tạo dùng làm thức ăn tươi sống, sạch bệnh cho ngành giống thủy sản như nuôi vỗ tôm biển bố mẹ.
Nhóm cũng đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình sinh sản và nuôi nhân tạo giun nhiều tơ D. chipolini với tỉ lệ thụ tinh trên 86%, tỉ lệ nở của trứng sau 12 giờ trung bình đạt 72%. Tỉ lệ sống trong quá trình ương từ giai đoạn ấu trùng đến giun con trung bình đạt trên 47% sau 45 ngày ương nuôi.
Quá trình nuôi sinh khối giun nhiều tơ trong bể lót bạt có tỉ lệ sống đạt từ 30,6-50,8%, năng suất từ 0,6 – 0,9 kg/m2 bể nuôi, sau 4 -5 tháng nuôi. Giun D. chipolini có thể nuôi nhân tạo bằng thức ăn tôm, cá công nghiệp và sinh trưởng tốt ở độ mặn 20‰.
Theo nhóm nghiên cứu, giun nhiều tơ là đối tượng nuôi mới, tiềm năng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần bảo vệ nguồn lợi và cung cấp ổn định cho ngành giống thủy sản. Nhóm cũng khuyến cáo, chính quyền địa phương cần tăng cường ý thức của người dân trong việc bảo vệ bền vững nguồn lợi giun nhiều tơ trong tự nhiên, không đánh bắt vào tháng 9-10 hằng năm khi giun sinh sản. Cũng không nên thay nước đầm nuôi tôm vào thời gian giun sinh sản để duy trì quần thể, nguồn lợi giun nhiều tơ và đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên trong đầm nuôi.
Đề tài đã được Sở KH&CN Cà Mau nghiệm thu, kết quả đạt yêu cầu. |