Quốc tế [ Đăng ngày (15/01/2011) ]
“Hạt gạo làng ta” ra xứ người...
Chính thức từ ngày 1-1-2011, doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung không nhất thiết phải là thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Cho phép sự tham gia rộng rãi của doanh nghiệp xuất khẩu gạo (kể cả doanh nghiệp nước ngoài) với các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. Đó là những điểm mới, mang tính ưu việt được quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và Thông tư 44/2010/TT-BCT của Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều tại Nghị định 109, có hiệu lực từ ngày 14-2-2011.

Theo cách nói ngàn đời của người nông dân nước Việt – “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” – chúng ta từ một quốc gia thiếu đói, phải nhận viện trợ lương thực triền miên, đã vươn mình đứng dậy không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Đó là những thành quả rất đáng tự hào, đáng biểu dương. Bởi vì không chỉ thông qua xuất khẩu gạo, chúng ta đã mang về cho đất nước một lượng ngoại tệ không nhỏ (gần 6,8 triệu tấn và trên 3,2 tỷ USD trong năm 2010) mà còn khẳng định rằng “đầu ra” cho loại nông sản đứng hàng số 1 này đã luôn được đảm bảo trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai xuất khẩu gạo, bên cạnh những thành tích thu được, ít nhiều chúng ta đã từng để xảy ra những “lộn xộn” không đáng có. Thậm chí có lúc có nơi, thị trường thu mua lúa gạo từ phía người nông dân một nắng hai sương, đã bị thao túng, ép giá, làm giá, “lướt sóng”... khiến Chính phủ và ngành chức năng phải “xắn tay” vào cuộc để bình ổn, điều chỉnh.

Cần nói thêm rằng trước đây, việc thực hiện các hợp đồng tập trung này là đặc quyền của các thành viên thuộc VFA thì nay sự “ưu ái” đó đã không tồn tại và nhường chỗ cho một “cuộc chơi” mới mang tính sòng phẳng, minh bạch hơn nhiều. Chính ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA cũng khẳng định: “Các tiêu chí có tính chất tiêu chuẩn này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đủ năng lực được tham gia các hợp đồng tập trung. Dù mở rộng đối tượng, song thị trường xuất khẩu khó có thể rối loạn do các tiêu chí đưa ra rõ ràng và lựa chọn được những doanh nghiệp tốt”.

Một vài năm trước đây, đã có hiện tượng một số doanh nghiệp tranh mua lúa gạo nguyên liệu để đầu cơ, gây sốt ảo, làm cho người nông dân và các doanh nghiệp khác chịu không ít phen điêu đứng. Nay chắc chắn điều này khó có cơ hội tồn tại vì Nghị định 109/2010/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu gạo, phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa; có ít nhất 1 cơ sở xay xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ. Tất nhiên, thực hiện được như thế tức là phải làm ăn lớn, phải minh bạch và sòng phẳng, có đường hướng chiến lược rõ ràng. Nhưng dư luận vẫn lo ngại chuyện “cá lớn nuốt cá bé”, thậm chí để doanh nghiệp nước ngoài thao túng thị trường xuất khẩu gạo ngay tại “sân nhà” của chúng ta, không phải là những suy luận thiếu căn cứ (!?)

Có lẽ cũng đã lường trước được những điều đó nên trong năm 2011, Chính phủ và ngành chức năng vẫn cho phép các doanh nghiệp có lộ trình để chuẩn bị. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2011, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn giữ nguyên. Từ ngày 1-10-2011 đến tháng 9-2012, doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng được phép đi thuê kho chứa và cơ sở xay xát. Sau thời gian này, doanh nghiệp nào không đủ điều kiện mới phải ngừng xuất khẩu. Ngoài việc sàng lọc doanh nghiệp lướt sóng, phá giá thị trường, Nghị định 109/2010/NĐ-CP còn được xem là rào cản kỹ thuật hữu hiệu ngăn chặn cuộc tấn công của các doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường xuất khẩu gạo (năm 2011). Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia xuất khẩu gạo, phải có kho dự trữ và cơ sở xay xát như doanh nghiệp trong nước. Về phía doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng tăng năng lực kho bãi, mạng lưới thu mua, dự trữ, bảo quản lúa gạo. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với người nông dân để tổ chức vùng nguyên liệu, sản xuất các loại gạo chất lượng cao.

Theo dự báo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2011, sản lượng lúa của cả nước ước đạt 40 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với năm 2010, trong đó, xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn. Như vậy, việc thực thi Nghị định 109/2010/NĐ-CP sẽ đưa hoạt động xuất khẩu gạo vào nề nếp. Người trồng lúa trên cơ sở đó, cũng được đảm bảo ổn định hơn. Và tin chắc rằng “hạt gạo làng ta”  đi ra xứ người cũng sẽ ở những “đẳng cấp” cao hơn.

Thanh Tường (nnhanh)
Theo http://daidoanket.vn
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn







Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->