Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (03/05/2024) ]
Nghiên cứu mối tương quan giữa mức độ lên cạn và đặc điểm di chuyển bằng vây ngực của nhóm cá thòi lòi (họ phụ OXUDERCINEA)
Nghiên cứu: “mối tương quan giữa mức độ lên cạn và đặc điểm di chuyển bằng vây ngực của nhóm cá thòi lòi (họ phụ OXUDERCINEA)” do nhóm tác giả: Nguyễn Minh Tài, Trần Xuân Lợi - Trường đại học Càn Thơ; Nguyễn Văn Lâm -Khoa Sau Đại học, Trường Đại học Cần Thơ.

Trong quá trình tiến hóa lên cạn của động vật có xương sống, các đặc điểm sinh học như: di chuyển, dinh dưỡng, sinh sản, hô hấp và các giác quan cũng thay đổi theo để thích nghi với điều kiện trên cạn (Clark, 2002). Quá trình thay đổi này được các nhà khoa học tìm hiểu qua các hóa thạch. Tuy nhiên, bằng chứng từ các hóa thạch còn manh mún và không thể hiện được các khía cạnh về sinh học và tập tính (Clack, 2009). Do đó, các loài cá có tập tính lưỡng cư thường được sử dụng trong tìm hiểu về quá trình tiến hóa vì chúng có những điểm tương đồng về môi trường sống với các loài đã tiến hóa lên cạn. Họ phụ cá thòi lòi (Oxudercinea) thuộc họ Gobiidae, phân bố ở các bãi bồi và rừng ngập mặn ven biển (Parenti & Jaafar, 2017). Chúng mang đặc điểm của các loài lưỡng cư như hô hấp qua da và hầu họng (Ishimatsu, 2017), mắt có thể chuyển động và nhìn rõ trên cạn (Kuciel & cs., 2017), giao tiếp bằng âm thanh (Polgar & cs., 2011), đẻ và ấp trứng trên không khí ở trong hang (Martin & Ishimatsu, 2017) và di chuyển linh hoạt trên cạn (Pace, 2017). Chúng bao gồm các loài có mức độ lưỡng cư khác nhau. Các loài thuộc giống Apocryptodon, Apocryptes, Pseudapocryptes và Zappa có mức độ lên cạn thấp. Các loài thuộc giống Boleophthalmus và Scartelaos có mức độ lên cạn trung bình. Các loài thuộc giống Periophthalmus và Periophthalmodon có mức độ lên cạn cao. Do đó, nhóm cá thòi lòi thường được sử dụng trong các nghiên cứu về quá trình tiến hóa lên cạn của động vật có xương sống (Clayton, 1993). Trong số các đặc điểm sinh học, việc di chuyển thành thục trên cạn giúp cá thòi lòi tìm thức ăn, tránh kẻ thù, sinh sản và tham gia các hoạt động khác trên cạn (Pace, 2017). Các bộ phận như đuôi, vây bụng và vây ngực là cơ quan chính giúp chúng di chuyển trên cạn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu quá trình thay đổi của các bộ phận này ở các loài có mức độ lưỡng cư khác nhau còn hạn chế, đặc biệt là vây ngực. Bên cạnh đó, mức độ lên cạn của từng loài ít được định lượng cụ thể. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định: i) mức độ lên cạn, ii) sự thay đổi đặc điểm di chuyển bằng vây ngực của nhóm cá thòi lòi ở các mức độ lên cạn khác nhau thông qua nghiên cứu tập tính di chuyển của 3 loài: Oxuderces nexipinnis, Scartelaos histophorus và Periophthalmodon septemradiatus. Đặc điểm sử dụng vây ngực của 3 loài này cũng được so sánh với 1 loài cá bống không lên cạn (Oxyeleotris urophthalmus). Kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng trong phát triển nuôi cảnh và hoạt động bảo tồn những loài này trong tương lai.

Nhóm cá thòi lòi mang đặc điểm lưỡng cư và thường được sử dụng để nghiên cứu sự tiến hóa lên cạn của động vật có xương sống. Nghiên cứu này nhằm xác định mối tương quan giữa mức độ lên cạn và đặc điểm di chuyển sử dụng vây ngực, cũng như các chỉ tiêu hình thái vây ngực ở 3 loài cá thòi lòi và 1 loài cá bống. Tập tính di chuyển được quay phim, phân tích về đặc điểm, tần suất sử dụng vây ngực và mức độ lưỡng cư. Tỉ lệ mở của vây ngực và tỉ lệ khối cơ ngoài và khối cơ trong cũng được thu thập. Kết quả cho thấy mức độ lên cạn tăng dần ở 3 loài cá thòi lòi: Oxuderces nexipinnis, Scartelaos histophorus và Periophthalmodon septemradiatus. Loài O. nexipinnis và S. histophorus sử dụng vây ngực để trườn trong nước, trườn trên cạn và trườn giữa nước - trên cạn nhưng loài O. nexipinnis sử dụng vây ngực trườn trong nước là chủ yếu. Hai loài này đều sử dụng vây ngực để trượt trong nước (lần đầu tiên ghi nhận ở nhóm cá thòi lòi). Ở loài Pn. septemradiatus, vây ngực chủ yếu để trườn trên cạn (57,73%) và giữ ẩm (30,08%). Tỉ lệ sử dụng vây ngực để trườn trên cạn cao hơn ở những loài có mức độ lên cạn cao hơn. Độ mở của vây ngực và tỉ lệ khối cơ ngoài và khối cơ trong có sự khác biệt và có mối tương quan với mức độ lên cạn ở 3 loài cá thòi lòi.

ntdinh
Theo Tạp chí khoa học và nông nghiệp, số 4/2024
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->