Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Đánh giá mức độ khó thở của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính theo thang điểm mMRC tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang
Mục tiêu của nghiên cứu là mô tả mức độ khó thở của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính theo thang điểm mMRC, khám ngoại trú tại Phòng khám của Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang năm 2022.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD – Chronic obstructive pulmonary disease) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trên toàn thế giới, gây ra 3,2 triệu ca tử vong và 329 triệu người mắc trên thế giới. Theo dự đoán, tỉ lệ mắc và tử vong sẽ còn tăng trong các thập kỉ tới do sự tiếp xúc trực tiếp với yếu tố nguy cơ gây ra bệnh COPD và sự già đi của dân số. COPD thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi. Yếu tố nguy cơ chính thường liên quan đến hút thuốc lá, thuốc lào, cùng với sự xuất hiện của các triệu chứng ho, khạc đờm kéo dài, khó thở. Trong đó, mức độ khó thở là triệu chứng vượt trội kéo dài đến giai đoạn cuối của cuộc đời. Mức độ khó thở tiến triển nặng theo thời gian. Người bệnh khó thở thường xuyên ngay cả những lúc sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Tại cộng đồng, việc chẩn đoán phát hiện sớm để điều trị những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là rất quan trọng. Những việc làm này góp phần vào việc quản lí và điều trị có hiệu quả ngay từ giai đoạn bệnh mới khởi phát. Bên cạnh đó, việc quản lí phòng ngừa các yếu tố nguy cơ giúp người bệnh tránh xuất hiện các đợt khó thở cấp, ít phải nằm viện góp phần làm giảm gánh nặng bệnh tật và chi phí điều trị.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là vấn đề nan giải trong cộng đồng. Đây là nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật trên toàn thế giới. Tỉ lệ bệnh tật và tỉ lệ tử vong do COPD gây ra đã làm tăng thêm gánh nặng cho các quốc gia. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, đây là nguyên nhân đứng thứ ba về tỉ lệ tử vong, đứng thứ tư về tỉ lệ mắc bệnh mạn tính và tử vong ở Hoa Kì và đứng thứ năm về gánh nặng bệnh tật vào năm 2020 trên toàn thế giới. Dựa trên những nghiên cứu hiện tại, COPD là bệnh lí có thể phòng ngừa và điều trị. COPD là bệnh lí đặc trưng bởi tắc nghẽn luồng khí và những thay đổi bệnh học trong phổi, tắc nghẽn luồng khí mạn tính là sự kết hợp của bệnh đường dẫn khí nhỏ (viêm tiểu phế quản tắc nghẽn) và phá hủy nhu mô phổi (khí phế thủng).

Tại Việt Nam, theo thống kê về tỉ lệ mắc COPD ở người hút thuốc lá ở Việt Nam và Indonesia ở người trên 40 tuổi bằng kĩ thuật đo CNTK với trên 1506 người tham gia cho thấy, tỉ lệ COPD chung là 6,9%, trong đó nam giới là 12,9% và nữ giới là 4,4%. Tỉ lệ mắc COPD ở Việt Nam cao hơn Indonesia (8,1% so với 6,3%). Tỉ lệ mắc bệnh COPD ở nông thôn cao hơn thành thị, tỉ lệ phân bố mắc bệnh COPD gần như đồng đều giữa Việt Nam và Indonesia.

Tiền Giang là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển về nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Bên cạnh những tiềm năng đó, tỉnh Tiền Giang cũng có những bất cập như tình trạng sử dụng các chốt đốt than đá, củi trong các ngành công nghiệp, sinh hoạt, đốt rơm rạ sau mùa vụ còn phổ biến; việc hút thuốc lá, thuốc lào không ngừng gia tăng. Đây cũng là những nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh mạn tính và có tiến triển ngày càng nặng. Bệnh là một gánh nặng đối với gia đình cũng như xã hội, gánh nặng này ngày một nhiều, một tăng, gây tổn thất rất lớn về kinh tế. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là khó thở, hiện tượng này xảy ra ngay cả khi người bệnh hoạt động thể lực nhẹ hoặc ở trạng thái yên tĩnh nghỉ ngơi vẫn khó thở rõ rệt. Vì rất sợ khó thở nên người bệnh rất hạn chế vận động. Sự e ngại vận động sẽ làm khó thở nhiều hơn. Việc xác định tầm quan trọng trong việc đánh giá mức độ khó thở nhằm cung cấp thông tin trong việc điều trị và chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là rất cần thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao việc chăm sóc và điều trị có hiệu quả cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Do vậy, vấn đề đánh giá mức độ khó thở của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính theo thang điểm mMRC tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang năm 2022 được thực hiện với kì vọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống – sức khỏe của người bệnh dù ở mức độ nhẹ.

Nghiên cứu được thực hiện tại Phòng khám – Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang từ tháng 04/2022 đến tháng 06/2022 với đối tượng đã được chẩn đoán là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đang điều trị tại Phòng khám – Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang. Tiêu chuẩn chọn lựa là người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính theo GOLD và người bệnh đồng ý tham gia nghiên cứu. Tiêu chuẩn loại trừ là người bệnh mắc bệnh chấn thương lồng ngực nặng, hoặc mới phẫu thuật lồng ngực, cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp không kiểm soát hoặc người bệnh không có khả năng hợp tác trong chương trình như rối loạn tâm thần, nhận thức chậm, khó giao tiếp, thính lực và thị lực kém, chương trình tập thở.


Đánh giá COPD theo thang điểm CAT

Qua nghiên cứu khảo sát mức độ khó thở và mô tả một số yếu tố liên quan đến mức độ khó thở trên đối tượng người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn từ tháng 04/2022 đến tháng 06/2022, nghiên cứu nhận thấy mức độ khó thở của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính theo mức độ mMRC. Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong nghiên cứu khó thở ở mức độ cao, chiếm tỉ lệ cao nhất là mức mMRC 3 (47,5%), các mức độ thấp dần lần lượt là mMRC 4 (36,6%), mức mMRC 2 (29,8%), mMRC 1 (4,4%). Tỉ lệ mức độ khó thở thấp nhất là ở mức mMRC 0 (1,6%). Mức độ khó thở mMRC của người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có mối liên quan với CAT rất cao. Kết quả này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống – sức khỏe của người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính theo thang điểm mMRC tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang nói riêng cũng như cho người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nói chung.

Từ kết quả trên, nghiên cứu kiến nghị với các cơ sở khám chữa bệnh cần áp dụng rộng rãi trên cộng đồng mô hình đánh giá lâm sàng và thực hành toàn diện người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính theo hướng dẫn của GOLD bằng bộ câu hỏi đánh giá chất lượng cuộc sống – sức khỏe CAT và mức độ khó thở mMRC trong điều trị.

lttsuong
Theo Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Trà Vinh, Tập 13, Số Chuyên Đề (2023)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->