Hiệu quả của một số biện pháp phòng trừ tuyến trùng ký sinh rễ cây cam quýt theo hướng thân thiện với môi trường
Nhóm các nhà nghiên cứu gồm Nguyễn Bá Phú, Nguyễn Quốc Tịnh, Nguyễn Quốc Sĩ và Lê Thị Tú Anh (Trường Đại học Cần Thơ) đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả của một số biện pháp phòng trừ tuyến trùng ký sinh rễ cam quýt thân thiện với môi trường.
Cam quýt (Citrus) là một trong những loại cây ăn trái phổ biến, được ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao và trồng nhiều ở các nước nhiệt đới (trong đó có Việt Nam). Tuy nhiên, năng suất và chất lượng cam quýt đang bị ảnh hưởng lớn bởi tuyến trùng ký sinh. Vì vậy, cần có biện pháp quản lý tuyến trùng hiệu quả để cải thiện năng suất và chất lượng cam quýt. Trong thực tế, xử lý tuyến trùng bằng các loại thuốc hóa học được đánh giá là có hiệu quả nhanh nhưng ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và sức khỏe con người. Đã có nhiều báo cáo về sự ô nhiễm nước ngầm và thực phẩm liên quan đến hóa chất phòng trừ tuyến trùng. Do đó, cần tìm biện pháp phòng trừ tuyến trùng vừa hiệu quả vừa thân thiện với môi trường.
Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 22 nghiệm thức: đối chứng; dung dịch Ca(OH)2, KOH (pH: 10, 11, 12); dịch trích cây sài đất, lá neem, lá tràm ta nồng độ 10%, 20% và 30%; nấm Paecilomyces lilacinus 10, 20 và 40 kg/ha; nấm Trichoderma sp. 20, 40 và 80 kg/ha, mỗi nghiệm thức có 5 lần lặp lại. Dung dịch Ca(OH)2 (pH: 11 và 12), dịch trích cây sài đất, lá neem, lá tràm ta nồng độ 10%, 20% và 30% cho hiệu quả nhanh nhưng giảm dần theo thời gian, hiệu quả phòng trừ tuyến trùng ký sinh trong đất đạt 67,8 –86,5% (20 ngày sau khi xử lý - NSKXL), ở rễ đạt 59,8 – 89,4% (100 NSKXL). Dung dịch Ca(OH)2 (pH: 10) và KOH (pH: 10, 11 và 12) có hiệu quả nhanh, trong đất đạt 51,6 –60,3% (20 NSKXL), kéo dài đến 40 và 60 NSKXL sau đó giảm dần, ở rễ đạt 59,1 –66,9% (100 NSKXL). Nấm Paecilomyces lilacinus (10, 20 và 40 kg/ha) và nấm Trichoderma sp. (20, 40 và 80 kg/ha) có hiệu quả chậm hơn và tăng dần theo thời gian, ở 100 NSKXL, hiệu quả phòng trừ tuyến trùng ký sinh trong đất đạt 69,6 –80,4% và ở rễ đạt 59,7 –82,9%. Các biện pháp xử lý tuyến trùng ký sinh rễcam quýt làm tăng mật số tổng vi sinh vật (vi khuẩn, nấm, xạ khuẩn) trong đất.
Số liệu sử dụng trong nghiên cứu được xử lý qua phần mềm Microsoft Excel và phân tích thống kê bằng phần mềm SPSS 22.0. Phân tích phương sai (ANOVA) và so sánh sự khác biệt giữa các trung bình nghiệm thức bằng kiểm định Duncan ở mức ý nghĩa 5%.
Kết quả thí nghiệm cho thấy:
- Dung dịch Ca(OH)2pH: 11 và 12, dịch trích cây sài đất, lá neem, lá tràm ta nồng độ 10%, 20% và 30% có hiệu quả phòng trừ tuyến trùng ký sinh nhanh và giảm dần theo thời gian, có độ hữu hiệu đối với tuyến trùng trong đất 67,8 – 86,5% (20 NSKXL), ở rễ 59,8 – 89,4% (100 NSKXL).
- Dung dịch Ca(OH)2pH: 10 và dung dịch KOH (pH: 10, 11 và 12) có hiệu quả nhanh, độ hữu hiệu đối với tuyến trùng trong đất 51,6 – 60,3% (20 NSKXL), kéo dài đến thời điểm 40 và 60 NSKXL sau đó giảm dần, độ hữu hiệu ở rễ 59,1 – 66,9% (100 NSKXL).
- Nấm tím Paecilomyces lilacinus (liều lượng 10, 20 và 40 kg/ha) và nấm Trichoderma sp. (liều lượng 20, 40 và 80 kg/ha) có hiệu quả phòng trừ tuyến trùng ký sinh chậm và tăng dần theo thời gian, ở thời điểm 100 NSKXL, độ hữu hiệu đối với tuyến trùng trong đất 6 9,6 – 80,4% và ở rễ 59,7 – 82,9%. Các biện pháp xử lý tuyến trùng làm tăng mật số vi sinh vật trong đất.
Xem xét kết quả thí nghiệm, có thể kết luận rằng có thể phòng trừ tuyến trùng ký sinh rễ cam quýt bằng dung dịch Ca(OH)2pH: 11 – 12; Dịch trích cây sài đất, lá neem, lá tràm ta ở nồng độ 10 – 20%; nấm tím Paecilomyces lilacinus với lượng 10 – 20 kg/ha và nấm Trichoderma sp. với lượng 20 –40 kg/ha.
|