Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đời sống người dân được cải thiện, việc sử dụng hoa trong cuộc sống hằng ngày trở nên phổ biến. Nghề trồng và kinh doanh hoa đang được phát triển, đặc biệt là hoa hồng, một loại hoa có giá trị kinh tế cao trong ngành sản xuất và kinh doanh hoa cảnh. Tuy nhiên, năng suất và chất lượng hoa hồng còn hạn chế, do đó, việc nghiên cứu để cải thiện năng suất và chất lượng hoa hồng là thật sự cần thiết. Vật liệu hữu cơ như bã cà phê, vỏ trứng, phân bò, bèo hoa dâu... có giá trị dinh dưỡng cao, giúp cải tạo đất, tăng sinh trưởng cây trồng, Đồng thời, việc thay thế phân bón hóa học sẽ giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hạn chế sự phụ thuộc của nền nông nghiệp vào phân bón hóa học.
Mẫu đất thí nghiệm được thu tại khu thực nghiệm thuộc Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Giống hồng nhung đỏ Rosa chinensisJacq được mua tại cơ sở Hoa kiểng-Cây cảnh Cô Mức (Khu vực 1, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ). Bèo hoa dâu được thu thập ở Cần Thơ, sau đó nhân nuôi tại nhà lưới Khoa Khoa học Đất, Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Bã cà phê tươi được thu gom từ quán cà phê trong khu vực phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Vỏ trứng gà được rửa sạch dưới vòi nước sau khi thu gom, sau đó được phơi khô dưới ánh nắng liên tục trong 2 ngày, sau đó được nghiền mịn. Phân bò được thu gom từ những trang trại nuôi bò ở Cần Thơ. Lông vũ (Lông gà vịt ) phế phẩm được thu gom từ các lò giết mổ gà, vịt trong khu vực phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Đất (5kg, khối lượng khô kiệt) đã được cân và chuẩn bị cho vào chậu nhựa (20 x 20cm). Giống hoa hồng nhung sau khi mua về, cắt bỏ phần thân trên, giữ lại đoạn gốc thân 15cm. Một gốc hồng đã chuẩn bị được chuyển sang chậu đất cho thí nghiệm. Sau đó, các vật liệu hữu cơ được bón theo nghiệm thức bằng cách bón vùi vào trong đất. Vật liệu hữu cơ và phân hữu cơ PPE được bón vào đất với tổng lượng bón là 4% so với tổng lượng đất khô trong chậu và được chia đều thành 4 lần bón (25% lượng vật liệu hữu cơ và phân hữu cơ thương mại cho mỗi lần bón) ở các thời điểm 0, 40, 80 và 120 ngày sau khi bố trí thí nghiệm. Vật liệu hữu cơ và phân hữu cơ thương mại được bón vùi trong đất ở lớp mặt 0-20 cm. Thí nghiệm được tiến hành tưới nước 1 lần trong ngày vào buổi chiều mát. Cỏ dại và sâu bệnh hại được quản lý thường xuyên bằng tay và các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học. Thí nghiệm được thực hiện trong 180 ngày.
Sau khi tiến hành thí nghiệm, thu thập kết quả và tiến hành phân tích số liệu, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận rằng hỗn hợp hữu cơ tươi chứa 5 vật liệu gồm bã cà phê, vỏ trứng, bèo hoa dâu, phân bò, lông vũ và xỉ than với tỉ lệ bằng nhau có những tác động tích cực đến đất. Hỗn hợp giúp cải thiện dinh dưỡng đất, duy trì pH, ổn định giá trị EC đất, tăng tăng mật số vi sinh vật gồm vi khuẩn và nấm trong đất, dẫn đến làm tăng nguồn dinh dưỡng trong đất. Điều này giúp cây hoa hồng sinh trưởng tốt và gia năng suất. Hỗn hợp hữu cơ tươi có tiềm năng ứng dụng cao trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần đánh giá thêm tác động của hỗn hợp hữu cơ tươi này lên năng suất nhiều loại cây trồng khác và khả năng cải thiện độ phì nhiêu đất và tăng hệ vi sinh vật có lợi trong đất trồng, góp phần thực hiện canh tác nông nghiệp bền vững.
|