Bài báo cung cấp một số thông tin về thực trạng sử dụng ống hút nhựa và giải pháp thay thế trong giai đoạn hiện nay. Quá trình khảo sát và thu thập mẫu nghiên cứu được thực hiện ở Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH CNTP TPHCM). Nghiên cứu đã sử dụng phiếu điều tra được thiết kế sẵn cho 200 sinh viên (SV) trong Trường.
Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,30 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Ống hút nhựa được xem là một trong những rác thải nhựa phổ biến, xếp thứ 6 trong các loại rác không thể phân huỷ. Bên cạnh đó, ống hút nhựa cũng nằm trong 10 cái tên được tìm thấy nhiều nhất khi nhắc đến vấn đề chất thải đại dương, nguyên nhân nghiêm trọng huỷ hoại hệ sinh thái biển của nhân loại. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã thống kê, năm 2018, Việt Nam thải ra hơn 1,80 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa trên thế giới. Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong năm qua, ở mức khoảng 0,50 triệu tấn. Dù chưa có con số thống kê cụ thể về từng loại rác nhưng có thể hình dung trong khối lượng rác thải nhựa khổng lồ này, có không ít ống hút nhựa dùng một lần. Đây là vật dụng được nhiều người tiêu dùng thải ra hàng ngày cùng với ly nhựa và túi ni-lông sau khi tiêu thụ các sản phẩm đồ uống. Bởi vì độ bền của nó, tuổi thọ của nhựa được ước tính lên đến hàng trăm đến hàng nghìn năm. Năm 2014, UNEP đã công bố sự quan tâm trước mối đe dọa của rác thải nhựa tràn lan đối với sinh vật biển [3]. Sự tồn tại của nhựa trong môi trường biển gây ra một số thách thức như giảm doanh thu du lịch, tác động tiêu cực đến các hoạt động giải trí, hư hỏng tàu, suy giảm môi trường biển và thiệt hại đối với sức khỏe cộng đồng. Trong số hàng trăm loài sinh vật biển bị ảnh hưởng, 17% các loài nằm trong danh sách đỏ của IUCN và ít nhất 10% đã ăn phải nhựa.
Các quốc gia trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, đã và đang có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chỉ thị số 33 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 491 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050,… Đặc biệt, vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có quy định rõ về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.
Hiện nay, các nghiên cứu trong nước về thực trạng sử dụng ống hút nhựa còn chưa phổ biến, đa phần nghiên cứu về túi ni-lông [10-11]. Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) là thành phố trực thuộc Trung ương được xếp loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Trên địa bàn Thành phố có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, thu hút SV đến học tập và sinh sống. Việc tập trung một lượng lớn dân cư đã gây áp lực không nhỏ đến vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường sống trên địa bàn Thành phố. SV là tầng lớp tri thức của xã hội hiện nay đang phải đối mặt với thách thức to lớn là sự thiếu hiểu biết về môi trường, đặc biệt, hiện nay một bộ phận SV có những thói quen gây ảnh hưởng đến môi trường. Đứng trước thực trạng đáng lo ngại về “ô nhiễm trắng” đang hiện hữu, việc khảo sát thực trạng sử dụng ống hút nhựa của SV và đề xuất giải pháp thay thế nhằm bảo vệ môi trường là một việc làm rất cấp bách, cần phải thực hiện trong một thời gian dài, liên tục và ngay từ bây giờ. Xuất phát từ đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu thực trạng sử dụng ống hút nhựa của SV, trường hợp điển hình SV Trường ĐH CNTP TPHCM. Đó cũng là tiền đề để Trường đưa ra các giải pháp cùng cả nước chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, theo kêu gọi của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững.
Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp thu thập, tổng hợp tài liệu: thu thập bao gồm: số liệu, hình ảnh, tài liệu trích dẫn, biểu đồ... Các dữ liệu thứ cấp khác được thu thập có liên quan đến ống hút thiên nhiên, mẫu mã, giá thành, ưu – nhược điểm so với ống hút nhựa.
- Phương pháp điều tra phỏng vấn, thu thập thông tin: Nghiên cứu đã tiến hành điều tra phỏng vấn kết hợp sử dụng bảng hỏi. Mẫu câu hỏi gồm 18 câu, nghiên cứu tập trung chủ yếu về các thông tin chính như: Khảo sát nhận thức của SV về ống hút nhựa và tác hại của ống hút nhựa.
- Phương pháp phân tích và xử lý số liệu: Các số liệu được nhập và xử lý bằng phần mềm phân tích thống kê SPSS nhằm thống kê mô tả các số liệu và thông tin đã thu thập được. Các kết quả nghiên cứu được trình bày dưới dạng bảng thống kê và đồ thị thống kê.
Kết quả:
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% SV được khảo sát trả lời đã từng sử dụng ống hút nhựa trong sinh hoạt, tần suất sử dụng nhiều nhất là 1-3 lần/tuần, chiếm 36%. 47% SV nhận thấy được tác hại của ống hút nhựa đối với sức khỏe. 73% SV chưa từng sử dụng ống hút thiên nhiên, thậm chí chưa từng biết đến. Nghiên cứu đã đề xuất 5 nhóm biện pháp nhằm nhân rộng việc sử dụng ống hút thiên nhiên, trong đó 83% ý kiến trên tổng số SV khảo sát cho rằng nên tổ chức các buổi tuyên truyền về lợi ích của ống hút thiên nhiên. |