Tự nhiên
[ Đăng ngày (29/05/2023) ]
|
Đánh giá tác động của tái sử dụng chất thải chăn nuôi lên chất lượng môi trường ở đồng bằng sông hồng giai đoạn 2000 - 2020
|
|
Nghiên cứu được thực hiện bởi tác giả Đỗ Thu Nga, Trường Đại học Điện Lực, Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí khoa học tài nguyên và môi trường, Số 45 (3/2023): 3 – 11.
|
Nông nghiệp là một trong những ngành có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam . Ngành nông nghiệp bao gồm trông trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Trong số này, trồng trọt đóng một vai trò quan trọng trong an ninh lương thực quốc gia, xóa đói giảm nghèo và tạo cơ hội sinh kế cho người dân địa phương cũng như thu nhập từ xuất khẩu. Tuy nhiên, các hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa và chăn nuôi cũng đồng thời đem lại các vấn đề ô nhiễm môi trường như ô nhiềm về không khí, chất lượng nước và đất.
Với lượng gia súc, gia cầm ngày càng tăng cao hiện nay thì vấn đề xử lý chất thải rắn chăn nuôi hiện nay là một vấn đề cấp thiết. Theo Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngành chăn nuôi mỗi năm thải ra 73 triệu tấn chất thải rắn và 23 – 30 triệu m3 nước thải bao gồm cả nước tiểu của lợn, nước tắm lợn và nước rửa chuồng lợn. Trong đó, khoảng 50% chất thải rắn và 80% nước thải đổ trực tiếp ra môi trường không qua xử lý. Đáng chú ý là chất thải chăn nuôi chứa một hàm lượng Nitơ rất lớn.Hiện nay lượng Nitơ này chưa được tận dụng hợp lý mà ngược lại đem đến nguy hại đến môi trường.
Đồng bằng Sông Hồng là vựa lúa lớn thứ hai của Việt Nam và cũng là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, do đó áp lực lên môi trường tại đây rất lớn. Thêm vào đó, ngành chăn nuôi cũng có sự tăng trưởng khá cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5 - 6 %/năm. Do đó, việc quản lý chất thải từ chăn nuôi cũng là một vấn đề đáng quan tâm ở đồng bằng Sông Hồng. Nghiên cứu này đã áp dụng mô hình phân tích dòng chảy vật chất (MFA) nhằm định lượng dòng chảy nitơ trên đồng bằng Sông Hồng trong giai đoạn 2000 - 2020, từ đó đánh giá tác động của thói quen tái sử dụng chất thải chăn nuôi lên chất lượng môi trường nước ở đồng bằng Sông Hồng. Kết quả mô hình cho thấy các nguồn phát thải nitơ lớn nhất vào môi trường nước là canh tác lúa, chăn nuôi và nước thải từ các hộ gia đình. Đồng thời, nghiên cứu cũng đánh giá được tỷ lệ đóng góp của các nguồn nitơ khác nhau vào đồng ruộng và sự thay đổi tỷ trọng giữa các nguồn này từ năm 2000 - 2020.
|
nhahuy
Theo Tạp chí khoa học tài nguyên và môi trường, Số 45 (3/2023): 3 – 11. |