Vi tảo D. bardawil tích lũy carotenoid và lipid phụ thuộc vào nồng độ muối trong môi trường nuôi cấy. Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng tích lũy carotenoid và lipid của vi tảo Dunaliella bardawil DCCBC 15 ở các điều kiện cạn kiệt dinh dưỡng, độ muối 3M và 4,5M trên môi trường MD4.
Trong nghiên cứu này, chủng vi tảo D. bardawil DCCBC 15 được cung cấp bởi Juergen E.W. Polle, Phòng Sinh học, Trường Đại học Brooklyn, New York, Hoa Kì. Nuôi cấy trên môi trường MD4 1,5M. Dunaliella bardawil DCCBC 15 được nuôi cấy trên môi trường MD4 1,5M NaCl gồm 2 giai đoạn:
Giai đoạn nuôi tăng trưởng: D. bardawil DCCBC 15 được nuôi trong điều kiện ánh sáng trắng 90 µmol photon/m2 /s. Mật độ tăng trưởng tế bào vi tảo ban đầu khoảng 0,15 x 106 tế bào/mL.
Giai đoạn nuôi ức chế: Sau 12 ngày nuôi cấy tăng trưởng, D. bardawil DCCBC 15 được chuyển sang 3 điều kiện gồm: Cạn kiệt dinh dưỡng (Đối chứng): D. bardawil được tiếp tục điều kiện nuôi cấy ban đầu trong môi trường MD4 1,5M NaCl; Nồng độ muối cao 3M (3M): Môi trường MD4 1,5M NaCl ban đầu được bổ sung thêm NaCl để đạt độ muối cao 3M; Nồng độ muối cao 4,5M (4,5M): Môi trường MD4 1,5M NaCl ban đầu được bổ sung NaCl để đạt độ muối cao 4,5M. Thu hoạch vi tảo sau 21 ngày nuôi cấy ức chế bằng phương pháp li tâm 10.000 vòng/5phút ở 15oC với 1mL dịch nuôi cấy và lưu trữ ở -20oC. Tiến hành phân tích xác định hàm lượng carotenoid và lipid của D. bardawil ở 3 nghiệm thức. Số lần lặp lại của mỗi thí nghiệm được xác định theo công thức: (r-1).(t-1) ≥ 12. Trong đó: r: số lần lặp lại; t: số nghiệm thức.
Kết quả cho thấy, độ muối cao 3M và 4,5M có ảnh hưởng đến khả năng tích lũy carotenoid và lipid của vi tảo Dunaliella bardawil DCCBC15. Tuy nhiên, hàm lượng carotenoid và lipid của D. bardawil nuôi cấy ở điều kiện cạn kiệt dinh dưỡng (14,890 pg/tb và 145,946 pg/tb) cao hơn các điều kiện ức chế độ muối cao 3M và 4,5M. Điều kiện nuôi cấy cạn kiệt dinh dưỡng là một chiến lược nuôi cấy D. bardawil hiệu quả để thu nhận sinh khối có hàm lượng carotenoid và lipid cao.
Nghiên do tác giả Võ Hồng Trung (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cùng tác giả khác thực hiện. Kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM; Tập 20, Số 4 (2023): 727-737. |