Keo là loại rừng trồng phổ biến nhất Việt Nam, diện tích có xu hướng tăng qua các năm. Tỉnh thừa Thiên Huế có 86,572 ha diện tích rừng trồng keo, chiếm hơn 86% tổng tổng diện tích rừng trồng các loại.
Thị xã Hương Thủy nằm về phía Đông Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Đông giáp huyện Phú Lộc; phía tây giáp thành phố Huế, thị xã Hương Trà và huyện A Lưới; phía nam giáp huyện Nam Đông; phía Bắc giáp huyện Phú Vang. Thị xã Hương Thủy có diện tích rừng keo là 11,682.19 ha, chiếm 75% tổng diện tích rừng trồng các loại. Theo thông tin Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay rừng keo có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển do tác động của bão, dịch bệnh, cháy rừng và nhiệt độ ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, đặc biệt là bệnh keo chết héo. Đây là loại bệnh nguy hiểm, khó chữa và đang tiếp tục phát sinh, gây hại với tỷ lệ bệnh 15-20%, nơi cao 30-50% diện tích, tập trung tại huyện A Lưới, thị xã Hương Thủy.
Phương pháp nghiên cứu bao gồm thu thập số liệu thứ cấp, số liệu thực địa, ảnh vệ tinh Landsat 8 OLI năm 2021, và thuật toán giải đoán ảnh Maximum Likelihood dựa trên các đối tượng ảnh, và chỉ số thực vật NDVI. Kết quả nghiên cứu cho thấy, độ chính xác giải đoán tổng thể khá cao, đạt từ 79,5% -84,2% và hệ số Kappa đạt mức khá tốt, biến động từ 0,58-0,60. Việc đối chiếu và ứng dụng các lớp bản đồ thông tin sử dụng đất, bản đồ hiện trạng 03 loại rừng, và bản đồ cháy rừng đã giúp cho việc tạo vùng mẫu đánh giá và các điểm kiểm soát đánh giá độ chính xác tốt hơn. Số liệu thống kê diện tích các lớp phủ rừng các loại từ giải đoán ảnh viễn thám phù hợp với diện tích được thống kê từ cơ quan chuyên môn ở thị xã Hương Thủy và phù hợp với thực tế trồng rừng các loại ở địa bàn nghiên cứu. Việc áp dụng phân cấp sức khỏe thực vật nói chung và các loại rừng keo, rừng thông theo chỉ số phân biệt thực vật NDVI là phù hợp đánh giá trên thực tế bằng quan sát. Kết quả đánh giá cho thấy, đa số rừng keo, rừng thông có chất lượng sức khỏe trung bình, chiếm hơn 68%, rừng keo và thông có sức khỏe tốt chỉ chiếm hơn 16% và có hơn 12% diện tích có chất lượng sức khỏe thấp.
Có một số hạn chế chưa được khắc phục trong nghiên cứu này bao gồm: số lượng mẫu kiểm tra thực địa còn thấp, chưa có mấy điều tra bằng các ô tiêu chuẩn để quan trắc các chỉ tiêu sinh trưởng của rừng keo, rừng thông, phương pháp phân loại ảnh dựa vào đối tượng trong phần mềm ArcGIS mới sử dụng giá trị trung bình phản xạ (thiếu các đặc điểm đối tượng ảnh khác như hình dạng, màu sắc, kích thước, và giá trị thống kê khác). Ngoài ra, cần sử dụng ảnh viễn thám có độphân giải cao hơn như ảnh vệ tinh Sentinel 2 để phân loại tốt hơn, nâng cao độ chính xác và chất lượng sản phẩm bản đồ. Do độ phân giải chưa cao nên đề tài này chưa phát hiện được các điểm, vùng mà rừng keo bị nhiễm bệnh keo chết héo và trên thực tế diện tích bị nhiễm bệnh cũng ít, manh tính đơn lẻ do đó rất khó phát hiện bằng ảnh có độ phân giải thấp.
|