Môi trường
[ Đăng ngày (20/03/2023) ]
|
Bước đầu nghiên cứu tạo chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng vi khuẩn tạo màng sinh học trên than sinh học có nguồn gốc từ trấu
|
|
Nghiên cứu do các tác giả Trần Thị Lương, Đỗ Thị Liên, Cung Thị Ngọc Mai, Trần Thị Đào, Trần Phương Minh, Lê Thị Nhi Công thực hiện.
|
Hiện nay trên thế giới, ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu đang là ngành mang lại lợi ích kinh tế - xã hội rất lớn. Cùng với sự phát triển không ngừng của ngành này, vấn đề ô nhiễm môi trường do dầu và các sản phẩm của nó gây ra đang ở mức báo động. Cụ thể là, đất và nước nhiễm dầu do hai nguyên nhân: từ khu vực kho chứa bao gồm các hoạt động như súc rửa, làm mát bồn chứa, vệ sinh máy móc và thiết bị làm rơi vãi xăng dầu xuống nguồn đất và nước, nước mưa chảy tràn qua khu vực kho..., hoặc từ khu vực cảng tiếp nhận bao gồm các hoạt động như nước dằn tàu, nước vệ sinh tàu, nước ống dẫn dầu (khi kéo từ biển lên boong), rò rî trên đường ống dẫn dầu từ tàu về kho chứa... Dầu thường chứa hàng ngàn phân tử khác nhau, nhưng phần lớn là hydrocarbon no có số carbon từ 2 đến 26 và hydrocarbon thơm như hydrocarbon (HC) đa vòng, phenol, benzen... Hàm lượng thành phần HC thơm có trong đợt nhiễm dầu thường dao động từ 100-150ppm. Dầu thường có độc tính cao và tương đối bền vững trong môi trường. Độc tính và tác động của dầu đến hệ sinh thái không giống nhau mà phụ thuộc vào loại dầu.
Vấn đề ô nhiễm môi trường do dầu và các sản phẩm của nó gây ra đã và đang ở mức báo động vì dầu thường có độc tính cao và tương đối bền vững trong môi trường. Để giải quyết vấn đề trên, các biện pháp sinh học được xem là một những cách thức xử lý triệt để, thân thiện với môi trường và có chi phí thấp. Trong nghiên cứu này, các chủng vi khuẩn tạo màng sinh học có khả năng phân hủy/chuyển hóa các thành phần có trong dầu mỏ đã được lựa chọn để bước đầu tạo chế phẩm với chất mang là than sinh học nhằm ứng dụng trong xử lý ô nhiễm dầu. Các phương pháp nghiên cứu vi sinh vật truyền thống như sàng lọc, đánh giá khả năng tạo màng sinh học, đánh giá mật độ vi sinh và xác định hàm lượng dầu tổng số còn lại theo TCVN 4582-88 đã được sử dụng. Kết quả, đã sàng lọc được bốn chủng vi khuẩn gồm Acinetobacter baumannii QN01, Rhizobium sp. DG2, Rhodococcus sp. BN5 và Stenotophomonas maltophilia QNG02. Đã xác định được nhiệt độ lên men phù hợp là 40°C và độ ẩm của chế phẩm là 40%. Chế phẩm tạo thành đã cho thấy hiệu quả loại bỏ dầu diesel lên tới 99% sau 7 ngày nuôi cấy với nồng độ dầu ban đầu là 10 g/kg đất. |
nttvy
Theo Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2023 |