Từ đầu sông đến cuối sông đều... lở
Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp – ông Lê Văn Hùng cho biết, tuy trong tháng 7 chỉ xảy ra 3 vụ SLVS ở 2 xã Long Khánh A, Long Thuận (huyện Hồng Ngự) làm ảnh hưởng đến 10 nhà dân và ngoạm đứt hơn 40m đường giao thông nông thôn kết hợp bờ bao chống lũ, nhưng nguy cơ SLVS vẫn đang tiếp tục đe dọa gần 100 điểm thuộc 44 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố và hàng ngàn hộ dân sinh sống cặp bờ.
Có thể nói SLVS ở Đồng Tháp đang vào thời kỳ báo động. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương đã chỉ đạo khẩn trương di dời gần 3.000 hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở mà không chờ hoàn thành các công trình hạ tầng. Còn ở An Giang, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có 56 điểm, tăng 14 điểm so năm 2009. Riêng năm 2010, giữa 2 đợt đo đạc đã xuất hiện thêm 7 điểm sạt lở mới, trong đó có những vụ SLVS gây thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.
Theo ghi nhận của Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường, SLVS còn vươn “chiếc vòi bạch tuộc” xuống vùng hạ nguồn như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau... Tại TP.Cần Thơ, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 11 vụ SLVS. Nóng nhất là địa bàn quận Bình Thủy với 2 vụ sạt lở nghiêm trọng liên tiếp tại phường Long Hòa gây thiệt hại vật chất với số tiền lên đến nhiều tỉ đồng và làm bị thương, gây tử vong 7 người.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân SLVS ở ĐBSCL chính là tác động xâm thực của dòng chảy.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, diễn biến SLVS càng phức tạp và vượt qua quy luật cũ. Không đợi đến lúc lũ đầu mùa từ thượng nguồn đổ về, mà ngay trong mùa khô, sạt lở cũng tấn công nhiều địa phương. Nhiều chuyên gia cho rằng SLVS sẽ căng thẳng hơn vào thời điểm lũ rút do nạn khai thác cát trộm kết hợp với tác động từ biến đổi khí hậu. Theo ThS Trần Anh Thư - Phó Giám đốc Sở TNMT An Giang, năm nay, SLVS ở ĐBSCL sẽ lên đỉnh.
Báo động đỏ, vẫn... để ngỏ
Mỗi năm SLVS lấy đi của ĐBSCL hơn 300ha đất màu mỡ ven sông và tạo ra khu vực nguy hiểm mới nằm trong giới hạn đường bờ ổn định là 10.000ha, đe dọa đến nơi ăn chốn ở và mạng sống của cư dân ven sông. Năm 1996, sạt lở đã xóa sổ vĩnh viễn khu chợ Tân Châu - trung tâm mua bán lâu đời và sầm uất bậc nhất tuyến biên giới Tây Nam. Trước đó, ngày 8.2.1992, một trận sạt lở kinh hoàng tại huyện Hồng Ngự đã làm 8 người trọng thương, 10 người chết.
Theo các chuyên gia, tới đây SLVS sẽ tiếp tục phức tạp theo chiều hướng xấu. Thế nhưng trong thực tế, công tác phòng, chống SLVS vẫn đang trong tình trạng... tụt hậu. Do những khó khăn về nhân sự, mức phạt chưa đủ sức răn đe nên đến nay hoạt động trộm cát tồn tại dai dẳng như “vòi bạch tuộc”. Vì vậy, một trong những biện pháp chủ yếu để hạn chế thiệt hại do SLVS là nắm được hiện trạng lòng sông để chủ động cảnh báo. Thế nhưng, hoạt động này cũng đang trong tình trạng khắc khoải. Ở Đồng Tháp, chỉ đo đạc khi có xảy ra sạt lở, nghĩa là chỉ phòng cháy chứ không có chữa cháy. Còn ở An Giang, tuy có chủ động tự đo đạc, nhưng vẫn cứ chạy theo đuôi sự việc...
SLVS ở ĐBSCL đang ngày càng phức tạp, đe dọa đến tài sản, tính mạng người dân. Vì thế, hơn lúc nào hết, những người dân tạo ra an ninh lương thực cho cả nước đang trông chờ chính sách an ninh sạt lở để an tâm hoàn thành trọng trách của mình.
|