Mục tiêu của Hội nghị là nhằm chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các định hướng, giải pháp, các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển. Từ đó đẩy nhanh tiến trình đưa các thành phố trọng điểm tại Việt Nam trở thành đô thị thông minh.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị, Ông Trương Gia Bình Chủ tịch Ủy ban Thành phố Thông minh của ASOCIO đại diện cho VINASA cho biết: trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố, đô thị thông minh, bền vững, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các tỉnh thành phố giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Sau lời phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Ông David Wong Chủ tịch ASOCIO đồng thời chia sẻ quan điểm: hiện nay, hơn một nửa dân số thế giới sống ở các thành phố. Đến năm 2050, sẽ có gần 7/10 người sống ở các thành phố.
Tuy chỉ chiếm 2% diện tích thế giới nhưng các thành phố đang chiếm hơn 70% lượng khí thải carbon toàn cầu và tiêu thụ 60-80% năng lượng.
Việc đô thị hóa nhanh chóng đã tạo thêm những thách thức như bất bình đẳng xã hội, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm nguồn nước và các vấn đề sức khỏe liên quan.
Vì vậy, theo ông Wong, hội nghị lần này tập trung vào chủ đề thành phố thông minh và rất phù hợp với nhiều sự phát triển toàn cầu hậu Covid-19.
Trong 5 năm qua, xu hướng phát triển Smart City vẫn đang là chủ đề nóng và nhận được sự quan tâm đầu tư của các nền kinh tế trong khu vực.
Chính phủ các nước ASEAN cũng đã hưởng ứng thành lập Smart City Network với sự tham gia của 26 thành phố trong khu vực. ASOCIO đã thành lập riêng Ủy ban Smart City để thúc đẩu xu hướng này.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. 5 năm qua, 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai thành phố thông minh.
Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ các tỉnh đã triển khai cao nhất 100% (6/6 địa phương đã triển khai). Ngoài ra, 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển ĐTTM; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh.
Thành phố Đà Nẵng của Việt Nam đã được vinh danh về nỗ lực này không chỉ với Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong 2 năm liên tiếp 2020-2021 mà cả Giải thưởng Smart City của ASOCIO vào năm 2019.
Đại dịch Covid-19 không những không kìm hãm được xu hướng Smart City mà thậm chí còn làm động lực phát triển nhanh hơn nữa tiến trình này. Các thành phố đang coi Smart City và chuyển đổi số như một nhân tố quan trọng hàng đầu giúp các thành phố nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.
Điều này có thể thấy rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng dịch vụ công trực tuyến, giáo dục thông minh, y tế thông minh, và quản lý điều hành, dịch vụ an sinh xã hội được chuyển đổi số, thông minh hóa một cách mạnh mẽ tại hầu hết các thành phố trên thế giới và trong khu vực.
Sự chia sẻ và liên kết giữa các thành phố, cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ trong xu hướng này sẽ giúp các thành phố trở lại nhịp độ phát triển, cuộc sống của người dân sẽ sớm bình an, thịnh vượng.
Hội nghị tiếp diễn với phần tham luận từ Ông Trần Ngọc Linh Chuyên gia Cục Phát triển đô thị, đại diện Bộ Xây dựng đã nêu lên những thực trạng về Thành phố thông minh tại Việt Nam, Đánh giá các ưu thế, hạn chế phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam dưới góc nhìn một nhà quản lý; phần chia sẻ kinh nghiệm phát triển Thành phố thông minh của Malaysia - Ông Ong Kian Yew Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghệ Quốc gia Malaysia (PIKOM); phần tham luận của GS. Jung Ho Shin đến từ Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc “Lịch sử phát triển 20 năm của Seoul - Thành phố Truyền thông số”; phần tham luận của Ông Non A Chuyên gia cao cấp về xúc tiến Thành phố thông minh, Cơ quan xúc tiến Kinh tế số Thái Lan chia sẻ “Kinh nghiệm phát triển Thành phố thông minh của Thái Lan”.
Hội nghị "Thành phố thông minh - Kinh nghiệm và giải pháp từ ASOCIO” là cơ hội để các tỉnh thành phố của Việt Nam cập nhật, chia sẻ thông tin, đưa ra các nhu cầu, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh thành trong và ngoài nước. Ngoài ra đây cũng là cơ hội để các tỉnh thành của Việt Nam phát triển hợp tác quốc tế với các tỉnh, thành phố của các quốc gia và nền kinh tế trong khu vực. |