Hiện nay, gỗ từ rừng có tuổi sinh trưởng dài ngày càng khan hiếm. Đa số nguyên liệu gỗ sử dụng trong sản xuất đồ mộc và xây dựng đều được lấy từ rừng có tuổi sinh trưởng thấp. Gỗ từ các loài cây mọc nhanh và thời gian sinh trưởng ngắn này thường có tỉ lệ gỗ tuổi non cao, và có nhiều nhược điểm như: dễ biến màu, dễ mục, kích thước không ổn định khi sử dụng,…Những nhược điểm này đã làm cho việc sản xuất sản phẩm gỗ gặp không ít khó khăn, thậm chí đang làm hạn chế phạm vi ứng dụng của gỗ. Vì vậy, việc nghiên cứu một giải pháp phù hợp để xử lý nâng cao chất lượng các loại gỗ này là vấn đề rất cần thiết. Những năm qua, trên thế giới cũng như trong nước đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố như: sử dụng hoá chất để xử lý gỗ, hoặc dùng các giải pháp vật lý để xử lý cải thiện chất lượng gỗ. Trong các giải pháp đó, biến tính nhiệt hay xử lý nhiệt độ cao đã được áp dụng và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Gỗ biến tính nhiệt đã được nhiều quốc gia trên thế giới sản xuất với quy mô công nghiệp. Việc dùng nhiệt để biến tính gỗ không phải phương pháp mới.
Gỗ Thông ba lá và gỗ Bạch tùng sau khi biến tính nhiệt có khối lượng thể tích khô kiệt giảm dần khi được xử lý ở nhiệt độ cao và thời gian dài. Trong đó, khối lượng thể tích của gỗ Thông ba lá và Bạch tùng giảm trong khoảng lần lượt là 3,17 – 17,3% và 3,45 – 20,73% so với gỗ đối chứng. Ngoài ra, trong quá trình biến tính nhiệt, dưới tác dụng của nhiệt độ cao nên gỗ Thông ba lá và Bạch Tùng sau khi biến tính nhiệt cũng có màu sắc sẫm hơn. Cụ thể là, gỗ Thông ba lá và Bạch tùng khi xử lý ở chế độ 218oC – thời gian 10 giờ đều có độ lệch màu khá cao lần lượt là 26,45 và 19,80. Tuy nhiên, khi gỗ được xử lý ở chế độ 161oC – thời gian 10 giờ thì độ lệch màu của Thông ba lá và Bạch Tùng tương đối thấp, có giá trị lần lượt là 5,19 và 2,09. Do vậy, tùy theo mục đích sử dụng của sản phẩm gỗ biến tính mà có thể áp dụng chế độ xử lý phù hợp. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sử dụng 2 loại gỗ này, cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm ảnh hưởng của biến tính nhiệt đến một số tính chất khác của gỗ như tính chất cơ học, khả năng kháng côn trùng, tính năng dán dính keo,...
|