Sức khỏe [ Đăng ngày (26/01/2021) ]
Khảo sát khả năng kháng oxy hóa, ức chế α-glucosidase và gây độc tế bào ung thư vú (MCF-7), ung thư cổ tử cung (HeLa) của cao chiết từ cánh hoa vạn thọ (Tagetes erecta L.)
Nghiên cứu do nhóm tác giả Huỳnh Ngọc Trung Dung, Nguyễn Trọng Tường - Khoa Dược – Điều Dưỡng, Trường Đại học Tây Đô thực hiện với mục tiêu khảo sát hàm lượng polyphenol toàn phần (bằng phương pháp Folin-Ciocalteu) và hàm lượng flavonoid (bằng phương pháp so màu AlCl3) của các cao chiết từ cánh hoa vạn thọ thuộc 2 giống vạn thọ hoa vàng và vạn thọ hoa cam (Tagetes erecta L.).

Vạn thọ (Tagetes erecta L.) là loại cây phổ biến ở Việt Nam, thường biểu hiện ở hai hình thái vạn thọ hoa vàng và hoa cam tùy vào hàm lượng hai loại carotenoid khác biệt (lutein màu vàng và βcarotenoid màu cam) trong hoa nhiều hay ít. Dân gian sử dụng hoa vạn thọ chữa trị thấp khớp, cảm lạnh, viêm phế quản, điều trị các bệnh về mắt và lỡ loét. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu khảo sát hàm lượng polyphenol và flavonoid trong hoa vạn thọ, đồng thời thực hiện các khảo sát liên quan đến hoạt tính sinh học của hoa vạn thọ đối với con người như kháng oxy hóa, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư, ức chế α-glucosidase,…. Nghiên cứu này thực hiện khảo sát hàm lượng polyphenol toàn phần và flavonoid toàn phần của các cao chiết từ cánh hoa thuộc 2 giống vạn thọ hoa vàng và hoa cam, đồng thời đánh giá một số hoạt tính sinh học của chúng như kháng oxy hóa, ức chế α-glucosidase và gây độc tế bào trên 2 dòng tế bào ung thư vú (MCF-7) và ung thư cổ tử cung (HeLa).

Vật liệu: Cánh hoa vạn thọ (T. erecta L.) thuộc 2 giống vạn thọ hoa vàng và hoa cam (giống lai F1, xuất xứ Thái Lan) được trồng và thu hái từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2019 tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, căn cứ vào các đặc điểm hình thái xác định là đúng loài theo mô tả của Phạm Hoàng Hộ (2003). Hoa sau khi thu hoạch được rửa sạch, tách riêng cánh hoa đem sấy khô ở 40oC trong 72 giờ, xay thành bột, thu được 2 mẫu bột cánh hoa, bảo quản ở nhiệt độ phòng tại bộ môn Sinh Hóa, Trường Đại học Tây Đô.

Kết quả cho thấy, hàm lượng polyphenol toàn phần trong mẫu cao chiết bằng ethanol 70% của cánh hoa vạn thọ hoa vàng là 150,18 ± 1,24 (mg GAE/ g dược liệu khô) cũng như hoạt tính kháng oxy hóa (khảo sát bằng phương pháp khử gốc tự do DPPH) và hoạt tính ức chế α-glucosidase của mẫu cao chiết này cao hơn các mẫu cao chiết còn lại gồm cánh hoa vạn thọ hoa vàng dung môi ethanol 96%, cánh hoa vạn thọ hoa cam dung môi ethanol 70% và ethanol 96%. Kết quả thống kê cũng chỉ ra được có sự tương quan giữa hàm lượng polyphenol, flavonoid và hoạt tính ức chế α-glucosidase trong các mẫu cao chiết. Ở nồng độ 500 µg/mL, các mẫu cao chiết đều thể hiện hoạt tính gây độc tế bào trên 2 dòng tế bào ung thư vú MCF-7 và ung thư cổ tử cung HeLa (thực hiện bằng phương pháp Sulforhodamin B). Hàm lượng polyphenol và flavonoid trong mẫu cao chiết từ cánh hoa vạn thọ càng cao, hoạt tính ức chế α-glucosidase của mẫu cũng sẽ cao tương tự.

Các kết quả trên thể hiện tiềm năng với nhiều tác dụng sinh học có lợi của cánh hoa vạn thọ trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến gốc tự do, bệnh đái tháo đường. Cần nghiên cứu thêm thông qua thử nghiệm các hoạt tính sinh học khác như kháng khuẩn, kháng viêm, xem xét khả năng ứng dụng trong các sản phẩm trà dược liệu, thực phẩm chức năng.

lttsuong
Theo Tạp chí Khoa học - Trường ĐHCT - Tập 56, Số 6B (2020)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Dinh dưỡng  
   
Tư vấn  
 
9 loại thực phẩm có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên ăn sau phẫu thuật hoặc bị ốm
Chấn thương thể chất hoặc tình cảm có ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của một người theo các cách khác nhau. Dù là tiểu phẫu hay một trái tim tan vỡ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn uống cân bằng giàu thực phẩm có tác dụng chữa bệnh sẽ rất có lợi cho việc phục hồi sức khỏe.


 
Khỏe đẹp  
 


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->