Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (09/05/2020) ]
Phát hiện hóa thạch 'quái thú điên'
Bộ xương 66 triệu năm tuổi ở Madagascar tiết lộ một loài động vật có vú không giống bất kỳ sinh vật nào từng được biết đến.

Hình vẽ mô phỏng "quái thú điên" sống cách đây 66 triệu năm. Ảnh: Andrey Atuchin.

Các nhà khoa học đặt tên cho loài thú này là Adalatherium hui, có nghĩa là "quái thú điên" trong tiếng Madagascar và Hy Lạp. Nó sống cùng thời với khủng long và cá sấu cổ đại trước khi bị xóa sổ do va chạm thiên thạch vào cuối kỷ Phấn Trắng.

Hóa thạch gần như hoàn chỉnh của con vật được bảo quản tốt đến mức vẫn còn cả mô sụn, xương nhỏ và đuôi cụt. Nó có sự pha trộn của nhiều đặc điểm kỳ lạ chưa từng thấy trước đây, nhấn mạnh loài thú này đã trải qua một quá trình tiến hóa phức tạp tại môi trường sống bị cô lập ở Madagascar.



Bộ xương hóa thạch gần như hoàn chỉnh được tìm thấy ở Madagascar. Ảnh: CNN.

A. hui có nhiều lỗ nhỏ trên mặt và đầu mõm hơn bất kỳ loài thú nào khác. Những lỗ này, được gọi là foramina, tạo ra các đường dẫn mạch máu và dây thần kinh, mang lại cho "quái thú điên" một chiếc mõm cực kỳ nhạy cảm, bao quanh bởi các sợi râu. 

Răng của A. hui không thể so sánh với bất kỳ thứ gì. Nó được sắp xếp một cách khó lý giải, đặc biệt là các răng cửa. Bộ xương của con vật cũng chứa nhiều đốt sống nhất trong thời Đại Trung sinh. Do nửa thân trước không khớp với nửa sau, và một chân sau hơi cong hình vòng cung, loài thú này được mô tả là có dáng đi "như sinh vật ngoài hành tinh".


Cấu trúc xương của A. hui không giống bất kỳ loài động vật nào khác. Ảnh: Scot Hartman.

"Thật khó để hình dung Adalatherium đã tiến hóa như thế nào. Nó bẻ cong và thậm chí phá vỡ rất nhiều quy tắc", tác giả chính của nghiên cứu David Krause, người phụ trách nghiên cứu cổ sinh vật học động vật có xương sống tại Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver của Mỹ nhấn mạnh.

Các phân tích hóa thạch tiết hộ A. hui trưởng thành có kích thước tương đương một con chồn opossum, nhưng nếu so với các loài động vật có vú khác ở Madagascar thời đó, nó khá lớn. Con vật có móng vuốt dài và khỏe ở hai chân sau, cho thấy nó dùng chi sau để đào hang. Chi tiết nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature.

Đoàn Dương (Theo CNN)
Theo Vnexpress.net (pcmy)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->