Nông nghiệp
[ Đăng ngày (23/04/2020) ]
|
Quản lý dưỡng chất theo địa điểm chuyên biệt trong bón NPK cho cây mía đường trên đất cù lao Đồng bằng sông Cửu Long
|
|
Phương pháp “Quản lý dưỡng chất theo địa điểm chuyên biệt” được sử dụng nhằm mục đích: Đánh giá hiệu quả của bón phân vô cơ và bã bùn mía lên năng suất và độ Brix của cây mía đường; xác định tổng hấp thu dưỡng chất NPK và hiệu quả nông học qua đó đề xuất công thức phân bón cho cây mía trồng trên đất cù lao sông ở Đồng bằng sông Cửu Long.
|
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều dải đất được hình thành ở giữa con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm, loại đất này phù hợp với nhiều loài cây trồng. Sóc Trăng là tỉnh có diện tích trồng mía khá lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long và tập trung chủ yếu trên đất cù lao ở huyện Cù Lao Dung. Mía đường là loại cây trồng hằng năm có năng suất sinh học cao nhất, do đó cũng đòi hỏi chất dinh dưỡng khá lớn cho cả chu kỳ sống. Kết quả điều tra cho thấy nông dân trồng mía bón phân tập trung nhiều vào phân N, hầu như không bón K, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Việc bón phân cân đối và hiệu quả sử dụng dưỡng chất cao giúp giảm chi phí phân bón và chất lượng sản phẩm tốt hơn. Do đó, bên cạnh nguồn cung cấp dưỡng chất từ đất, việc tìm và xác định công thức bón phân đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng NPK của cây mía để đạt được năng suất mục tiêu theo từng tiểu vùng canh tác mía là hết sức cần thiết.
Thí nghiệm đồng ruộng được thực hiện qua vụ mía tơ (năm 2011) và vụ mía gốc (năm 2012) ở huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng, kiểu bố trí theo thừa số trong khối hoàn toàn ngẫu nhiên, 4 lần lặp lại với 2 nhân tố: khuyết dưỡng chất (NPK, NP, NK, PK) và bã bùn mía (BBM, KBB). Kết quả nghiên cứu cho thấy: Bón kali (200 kg K2O/ha) làm tăng độ Brix mía. Lượng dưỡng chất cung cấp từ đất so với tổng nhu cầu của N, P và K cho cây mía ở mức tỉ lệ phần trăm là 32,6% N, 46,2% P2O5, 56,1% K2O. Phân đạm được ghi nhận là nhân tố quyết định nhất đến sự thay đổi năng suất mía. Bón bã bùn mía với lượng 10 tấn/ha làm tăng có ý nghĩa tổng hấp thu dưỡng chất đạm, lân, kali trên cây mía đường. Ứng dụng SSNM đã xác định được công thức bón phân cho cây mía ở Cù Lao Dung là 331 N-155 P2O5-253 K2O (kg/ha).
|
tnttrang
Theo Theo tapchi.vnua.edu.vn - Số 8/2015 |