Khoai lang-cây xóa đói, giảm nghèo
Trước đây, đồng bào các dân tộc ở các bon, thôn của xã Đắk Búk So chỉ tâp trung trồng các cây truyền thống như mì (sắn), bắp (ngô), lúa, điều, tiêu… đều cho năng suất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Huyện ủy, UBND huyện Tuy Đức đã chủ động tìm kiếm loại cây mới, đó là cây khoai lang, nhập giống từ Nhật Bản, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và trình độ canh tác của địa phương. Hơn nữa, khoai lang là cây ngắn ngày, một năm có thể trồng được 3 vụ.
Tháng 4-2002, huyện Tuy Đức chọn HTX 19-5 thuộc xã Đắk Búk So mua giống khoai lang Nhật Bản du nhập vào Lâm Đồng về trồng thử 0,5ha và chỉ sau 3 tháng 20 ngày, thu hoạch đạt năng suất rất cao. Từ đó, HTX 19-5 nhân rộng lên 5ha, năng suất đạt 15 tấn/ha, khoai củ chất lượng loại 1 đạt 55%, giá bán lẻ 5.000đ/kg, bán xô giá 3.400đ/kg.
Trong khi giá khoai lang truyền thống của ta, khoai loại 1 cũng chỉ có khoảng 1.000đ/kg. Có giống cây trồng tốt, năng suất cao, có đầu ra cho sản phẩm, Đảng ủy, UBND xã Đắk Búk So đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cây trồng cũ có giá trị kinh tế thấp sang trồng khoai lang xuất khẩu. Xã mời cán bộ kỹ thuật của huyện, của tỉnh về hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống cho đồng bào.
Sang vụ thu đông năm 2003, bà con các bon trong xã Đắk Búk So đã trồng được 50ha, năng suất đạt 16 tấn/ha, thu hoạch bình quân hơn 20 triệu đồng/ha/vụ. Đến năm 2006, đồng bào trong xã đã phát triển được 580ha. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng được 2-3ha, có hộ trồng đến 5ha, một năm thu được cả trăm triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So phấn khởi cho biết: “Đắk Búk So là một xã nghèo khó, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng kịp thời, hợp lý, giống khoai lang Nhật Bản phù hợp với loại đất đỏ ở địa phương nên phát triển tốt, cho năng suất cao.
Giống khoai lang này vừa ngắn ngày, vừa dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao. Đời sống nhân dân ngày một tốt lên, kinh tế-xã hội phát triển, an ninh-trật tự ngày càng ổn định. Từ khoai lang đi lên, hiện xã chỉ còn 16% hộ nghèo, không còn hộ đói, 80% số hộ đã có xe gắn máy, có hộ 3-4 chiếc, và 5 hộ đã mua được xe ô tô con, 4 hộ mua được xe ô tô vận tải chở hàng hóa… Xã có 65% số hộ có thu nhập bình quân từ 10 đến 100 triệu đồng/năm.
Một số hộ thu vài trăm triệu đồng/năm. Chẳng hạn hộ ông Nguyễn Văn Khiển, thôn 5, trồng 6ha khoai lang, năng suất bình quân đạt 18-20 tấn/ha, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng/năm. Hộ Điểu Diếp, Điểu Tỉnh cũng thu được vài chục triệu đồng/năm. Nhờ cây khoai lang mà chúng tôi xóa được đói, giảm được nghèo, từng bước làm giàu”.
Chúng tôi đến bon Bu N DRung, vào thăm nhà ông Điểu Tỉnh, người dân tộc Stiêng. Ông Điểu Tỉnh cho biết: Trước năm 2000 kinh tế nhà ông còn khó khăn lắm, ở nhà tạm. Nay trồng được 3 ha mì cao sản, 1ha khoai lang, thu nhập mỗi năm cũng được 60-70 triệu đồng. Do chịu khó làm ăn, biết tiết kiệm, Điểu Tỉnh đã làm được căn nhà gỗ to, khang trang, mua được 4 chiếc xe gắn máy, có xa lông, ti vi, tủ lạnh và các đồ dùng sinh hoạt khác.
Rời bon Bu N DRung, chúng tôi vào thôn 7. Ông Nguyễn Văn Bền, Trưởng thôn cho chúng tôi biết: Thôn có 83 hộ gia đình, bà con chủ yếu trồng cà phê, cao su, mì và khoai lang xuất khẩu. Nhưng trồng khoai lang là hiệu quả nhất. Như gia đình ông hiện đang trồng 2ha cao su, 1ha cà phê, 1ha khoai lang, gần 1ha ngô lai và 4 sào ao nuôi cá, tổng thu gần 200 triệu đồng. Ông Bền còn cho biết: Cả thôn có khoảng 15% số hộ có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên, như hộ ông Lê Văn Tuyến.
“Tại sao trồng khoai lang cho năng suất cao, bà con không trồng hết diện tích mà vẫn trồng các loại cây khác?” - Tôi hỏi. Ông Bền giải thích: Trồng khoai lang thu lợi lớn, nhưng bà con vẫn trồng cây khác vì nếu thời tiết không thuận lợi, mất cây này vẫn còn cây khác.
Khoai lang Đắk Búk So xuất ngoại
Cây khoai lang Nhật Bản trồng ở Đắk Búk So không những là cây xóa đói giảm nghèo, mà nay còn phát triển mạnh, sau 5 năm đã nhân rộng ra các xã của huyện Tuy Đức với diện tích lên đến gần 700 ha. Trong đó, xã Đắk Búk So trồng 580 ha, chiếm 87% diện tích trồng khoai lang toàn huyện.
Ngoài tiêu thụ trong nước, khoai lang ở Đắk Búk So còn có giá trị xuất khẩu cao. Để tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, chính quyền địa phương kết hợp với HTX 19-5 liên hệ với Công ty DJF của Nhật Bản, có nhà máy chế biến rau củ xuất khẩu tại Đức Trọng (Lâm Đồng). Sau khi tìm hiểu thực tế, Công ty DJF đánh giá chất lượng khoai lang tốt, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu và đồng ý ký kết hợp đồng mua sản phẩm khoai lang xuất khẩu cho bà con nhân dân xã Đắk Búk So. Trong vài năm gần đây, mỗi năm xã đã xuất bán cho Công ty DJF hàng nghìn tấn khoai lang để chế biến thành bánh, mứt, kẹo… xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Với khoai lang đạt tiêu chuẩn loại 2, Công ty DJF không chế biến mà xuất khẩu trực tiếp củ tươi đi các nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng phòng Kinh tế huyện Tuy Đức cho biết: “Giống khoai lang Nhật Bản trồng ở Đắk Búk So cho năng suất cao, chất lượng tốt, không những đáp ứng được nhu cầu của người dân tại chỗ mà đã trở thành hàng hóa xuất khẩu. Từ Đắc Búk So, khoai lang đã phát triển ra các xã khác trong huyện, trong tỉnh Đắc Nông. Nhưng ở các nơi khác không tự xuất khẩu được, mà hầu hết phải thông qua Đắk Búk So. Như thế, khoai lang Đắk Búk So đã có uy tín trên thị trường và đã trở thành thương hiệu”.
Theo định hướng phát triển kinh tế của huyện Tuy Đức, cây khoai lang xuất khẩu được xác định là một trong những cây chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, được thay thế một số mì cao sản, ngô lai, lúa nước, và một số cây công nghiệp kém hiệu quả khác. Huyện cũng quy hoạch vùng trồng khoai lang xuất khẩu đến năm 2010 khoảng 2000 ha, trọng tâm vẫn là xã Đắk Búk So.
“Khoai lang Đắk Búk So” đã vượt qua biên giới Việt Nam, đến một số nước trên thế giới. Nhưng để sản phẩm xuất khẩu này đứng vững trên thị trường quốc tế, theo chúng tôi cần phải có sự gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa bốn nhà: Nhà nông-Nhà doanh nghiệp-Nhà nước-Nhà khoa học |