Nghiên cứu [ Đăng ngày (27/07/2019) ]
Nghiên cứu xử lý nước thải y tế bằng phản ứng Fenton/ozone kết hợp lọc sinh học hiếu khí
Nghiên cứu do các tác giả Lê Hoàng Việt, Nguyễn Lam Sơn, Huỳnh Lương Kiều Loan và Nguyễn Võ Châu Ngân thực hiện nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả xử lý nước thải y tế đạt tiêu chuẩn xả thải.

Đối tượng nghiên cứu là nước thải của Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành - tỉnh Hậu Giang. Để xác định nồng độ một số chất ô nhiễm chủ yếu nhằm định hướng cho các thí nghiệm, nước thải được lấy từ cống thu gom nước thải trong khoảng từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa (thời gian diễn ra nhiều nhất các hoạt động khám chữa bệnh) theo kiểu lấy mẫu tổ hợp theo tỉ lệ lưu lượng, mẫu được lấy trong 3 ngày liên tiếp để kiểm tra. Nước thải dùng để vận hành các mô hình được lấy theo kiểu lấy mẫu độc lập vào lúc 9 giờ sáng của những ngày tiến hành thí nghiệm.

Nghiên cứu thực hiện trên mô hình bể phản ứng Fenton/ozone, mô hình bể lọc sinh học.

- Bể phản ứng Fenton/ozone: gồm các bể có kích thước 0,1 m × 0,1 m × 1,5 m (dài × rộng × cao), chiều cao công tác 1,2 m. Các bể được trang bị hệ thống khuấy trộn (motor, cánh khuấy) gồm 4 cánh khuấy đồng trục có thể thay đổi vận tốc từ 0 đến 200 vòng/phút. Ngoài ra, còn có máy tạo ozone GENQAO FD 3000 II công suất 200 - 400 mg/giờ (xuất xứ Trung Quốc). Bể được vận hành theo nguyên tắc bể phản ứng theo mẻ.

- Bể lọc sinh học có giá thể ngập nước: bể lọc sinh học nền ngập nước có kích thước 0,15 m × 0,15 m × 1,2 m (dài × rộng × cao) chế tạo bằng kính trong suốt, số lượng giá thể đưa vào mô hình là 1.800 giá thể có khối lượng 1,224 kg, chiếm chiều cao cột 0,65 m và có tổng diện tích bề mặt của giá thể là 9,18 m2 . Bể vận hành liên tục theo kiểu khí - nước ngược chiều được bố trí sau bể phản ứng Fenton/ozone.


Trong nghiên cứu này, nước thải y tế trước tiên được xử lý qua bể phản ứng Fenton/ozone, tiếp theo qua bể lọc sinh học hiếu khí nền ngập nước, tất cả các mô hình xử lý đều thực hiện ở quy mô phòng thí nghiệm. Nước thải xử lý qua mô hình Fenton/ozone có hiệu quả loại bỏ các thành phần ô nhiễm khá cao nhưng nồng độ chất hữu cơ chưa đạt tiêu chuẩn xả thải. Tiếp tục cho nước thải qua bể lọc sinh học hiếu khí nền ngập nước vận hành ở thời gian lưu nước 2 giờ, tải nạp trung bình theo thể tích hoạt động của bể là 0,723 kg BOD5/m3 .ngày, hiệu suất loại bỏ COD, BOD5, P-PO4 3- lần lượt 56,1%, 65,5%, 55,0%. Nước thải y tế sau xử lý đạt yêu cầu xả thải theo QCVN 28:2010/BTNMT (cột A) ở tất cả các thông số ô nhiễm khảo sát.

nhnhanh
Theo Tạp chí Khoa hoc Trường ĐH Cần Thơ - Tập 55, Số 1A (2019)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->