Số loại thuốc chống lao không nhiều, trong khi đó các thuốc chống lao mới ra đời vẫn còn rất ít và còn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, khó tiếp cận trong điều kiện Việt Nam. Các thuốc điều trị bệnh lao hiện đã và đang sử dụng tuy không mới nhưng vẫn là vũ khí quan trọng nhất để điều trị bệnh lao.
Định lượng nồng độ thuôc trong huyết tương đòi hỏi các phương tiện kỹ thuật và phương pháp phân tích phù hợp. Có nhiều phương pháp định lượng thuốc chống lao trong huyết tương, nhưng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao là phương pháp phổ biến hơn cả do có độ chính xác cao, khoảng thời gian phân tích hợp lý và chi phí chấp nhận được. Qua những vấn đề đó và được sự chấp thuận của Bộ Y tế, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp sắc ký lỏng hiệu nâng cao định lượng nồng độ thuốc chống lao trong huyết tương bệnh nhân lao” do TS-BS Lê Thị Luyến, TS-DS Nguyễn Thị Liên Hương thực hiện với mục tiêu nghiên cứu xây dựng và thẩm định phương pháp định lượg rifampicin, isoniazid, pyrainamid trong huyết tương bằng HPLC. Khảo sát nồng độ rifampicin, pyrazinamid trong huyết tương bệnh nhân lao.
Với những nghiên cứu ứng dụng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao định lượng nồng độ RMP, INH, PZA trong huyết tương và ứng dụng khảo sát nồng độ ở 285 bệnh nhân lao, đề tài đã mang lại những kết quả khả quan.
Thứ nhất là phương pháp chiết RMP, PZA, INH trong huyết tương bằng tủa protein với dung môi tủa là acetonitril là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với phương pháp định lượng nồng độ thuộc phục vụ thực hành điều trị. Đã xây dựng được phương pháp định lượng đồng thời RMP, PZA trong cùng một hệ thống pha động với thời gian phân tích mẫu hợp lý. Phương pháp định lượng INH trong huyết tương bằng HPLC kết hợp dẫn xuất hoá trước cột với cinnamaldehyd làm tăng độ phát hiện INH trong mẫu. Hệ dung môi pha động không quá đắt, dễ tìm trên thị trường Việt Nam.
Phương pháp định lượng RMP, PZA, INH do các tác giả xây dựng được, đã được thẩm định đầy đủ về các tiêu chuẩn FDA quy định về phương pháp phân tích thuốc trong dịch sinh học.
Tiếp theo là nồng độ RMP, PZA, INH trong huyết tương bệnh nhân lao. Nồng độ thuốc có ảnh hưởng tới đáp ứng điều trị. Đặc biệt nhóm bệnh nhân còn AFB (+) sau 2 tháng điều trị có nồng độ thuốc trung bình thấp hơn nhóm đáp ứng tốt. Phần lớn bệnh nhân đáp ứng điều trị kém đều có ít nhất 1 thuốc thấp hơn phạm vi điều trị.
Có thể tìm đọc toàn bộ Báo cáo KQNC Đề tài (số lưu trữ: 8418/2010) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (http://db.vista.gov.vn).
|