Xã hội-Nhân văn
[ Đăng ngày (18/07/2019) ]
|
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của nhân viên quản lý cấp trung tại các khu công nghiệp Đông Nam Bộ
|
|
Nghiên cứu của tác giả: Nguyễn Tiến Thức - Khoa Thương mại và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Văn Lang thực hiện.
|
Ảnh: sưu tầm.
Đông Nam Bộ thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Miền Nam với 103 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Vùng Đông Nam Bộ đóng góp hơn 40% GDP cả nước, đóng góp 60% ngân sách nhà nước, theo thông tin tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2016 và 2017, một trong những nhiệm vụ chiến lược cấp Vùng phải thực hiện là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt cho công tác điều hành, quản lý. Nguồn lực con người đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bất kỳ tổ chức / quốc gia nào, đặc biệt là vai trò của các quản lý cấp trung. Quản lý cấp trung là cầu nối giữa nhân viên và nhà quản trị cấp cao, giúp quá trình vận hành của tổ chức / doanh nghiệp trở nên khả thi và trở nên hiệu quả hơn. Nhiệm vụ chính của các nhà quản lý cấp trung là thực hiện chiến lược của công ty một cách hiệu quả nhất, bao gồm tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả, quản trị quá trình làm việc, đảm bảo rằng nó phù hợp với yêu cầu của tổ chức, dẫn dắt nhân viên và báo cáo lên cấp trên. (Hartel and Johnson, 2014). Để phát huy vai trò của các quản lý cấp trung, sự hài lòng trong công việc của họ và các yếu tố tác động là một vấn đề cần được liên tục nghiên cứu cập nhật theo từng bối cảnh xã hội nhằm tạo ra các quyết sách phù hợp trong quản trị nguồn nhân lực này, sự thiếu hụt trong cập nhật theo bối cảnh sẽ tạo nên các khoảng trống nghiên cứu đáng lưu ý (Spector, 1997; Dopson and Stewart, 2001; Hartel and Johnson, 2014). Do đó, việc tiến hành nghiên cứu liên quan đến đối tượng quản lý cấp trung trong các khu công nghiệp tại vùng Đông Nam Bộ là cần thiết vì sự thiếu hụt các nghiên cứu thực tiễn được cập nhật về quản lý cấp trung tại Việt nam hiện nay (Đỗ Vũ Phương Anh, 2016).
Nghiên cứu này xem xét tác động của động cơ làm việc, mối quan hệ nơi làm việc, niềm tin vào tổ chức đối với sự hài lòng trong công việc của nhân viên quản lý cấp trung trong các khu công nghiệp tại khu vực Đông Nam bộ. Nghiên cứu sử dụng cả phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng bao gồm nghiên cứu định lượng sơ bộ và nghiên cứu định lượng chính thức. Phương pháp mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) được sử dụng để phân tích dữ liệu. Kết quả kiểm định trên mẫu gồm 315 đối tượng khảo sát với phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên cho thấy (1) động cơ làm việc và mối quan hệ nơi làm việc tác động cùng chiều vào cả niềm tin vào tổ chức và sự hài lòng trong công việc của nhân viên quản lý cấp trung, (2) niềm tin vào tổ chức tác động cùng chiều vào sự hài lòng của nhân viên quản lý cấp trung. Kết quả kiểm định cũng cho thấy động cơ làm việc và mối quan hệ nơi làm việc là những khái niệm đa hướng. |
lntrang
Theo Tạp chí Khoa hoc Trường ĐH Cần Thơ -Tập 54, Số 6 -Phần C |