Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng rõ ở hầu hết các nền kinh tế như các mặt hàng nông, lâm và thủy sản gạo, chè, cà phê, tôm, cá... Tuy nhiên, những năm qua, nền kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, nhu cầu tiêu thụ cao, nông sản Việt Nam xuất ngoại chưa gặp phải những rào cản lớn.
|
Song, bước sang năm 2008 và nửa đầu năm 2009, kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, thị trường thu hẹp, các nước siết chặt hơn đối với hàng nhập khẩu nhằm bảo hộ hàng sản xuất trong nước. Những chính sách bảo hộ mậu dịch các nước đang triển khai đó là nâng cao các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất xứ.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu chiếm lĩnh được thị phần lớn ở các thị trường phổ thông, không đòi hỏi cao về chất lượng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của Việt Nam là vấn đề truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Trong bối cảnh siết chặt bảo hộ mậu dịch hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp tưởng như đơn giản lại vô cùng khó khăn. Đơn cử vừa qua, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với 5 loại quả xuất sang Trung Quốc cũng khiến các cơ quản quản lý, doanh nghiệp tới người nông dân lúng túng. Trong khi nước bạn Trung Quốc đến thời điểm này đã cung cấp cho Việt Nam 3.000 vùng trồng, chi tiết đến từng xã và 900 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sang Việt Nam, Việt Nam mới chỉ cung cấp được danh sách đợt 1, tuy nhiên, cũng mới chỉ kê khai đến cấp huyện. Trước mắt, phía Trung Quốc sẽ tạm thời chấp nhận, song việc này có thể thay đổi bất kỳ lúc nào.
Gần đây nhất là yêu cầu mới đối với sản phẩm cá tra, basa xuất vào thị trường EU. Theo đó, phía EU yêu cầu từ 1-1-2010, tất cả các sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải truy xuất nguồn gốc qua tem mã vạch. Đến thời điểm này, theo phản ánh của một số tỉnh nuôi trồng lớn, công việc vẫn chưa được triển khai, chưa có văn bản... hướng dẫn các tỉnh phải thực hiện ra sao, bắt đầu từ đâu. Như vậy, liệu nước đến chân có kịp nhảy? Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu cá tra, basa lớn nhất của Việt Nam. 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra, basa vào EU chiếm 41% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra, basa của cả nước.
Bài toán quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi đã được đưa ra từ lâu, song đến nay, mọi việc vẫn như mới. Người nông dân vẫn mạnh ai nấy làm. Câu hỏi đặt ra là, nông sản Việt Nam phải có tầm, có thương hiệu để cạnh tranh với các nước. |