Hợp tác [ Đăng ngày (04/07/2011) ]
Dự án PECSME: Mùa “quả ngọt”
“Sau 5 năm được triển khai ở Việt Nam, Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (PECSME) đã trở thành một trong những dự án thành công nhất trong Chương trình quốc gia hợp tác giữa Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) và Chính phủ Việt Nam về phát triển bền vững nói riêng và trong thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đã nhận định như vậy về những hiệu quả của dự án PECSME tại Hội nghị tổng kết các hoạt động dự án PECSME giai đoạn 2006-2011 diễn ra mới đây tại Hà Nội. Nhiều chuyên gia, DN cũng có chung những ý kiến như vậy.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh: Ba lợi ích lớn

Dự án PECSME do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ và đồng tài trợ bởi các cơ quan, đối tác Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện bắt đầu từ năm 2006. Đến thời điểm này, có thể khẳng định dự án đã kết thúc thành công. Việc thực hiện thành công dự án đã mang lại 3 lợi ích thiết thực: Thứ nhất là đã tạo ra môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đổi mới công nghệ và áp dụng kinh nghiệm quản lý tiên tiến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó việc vận hành thành công Quỹ bảo lãnh vốn vay quy mô 1,7 triệu USD đã góp phần đáng kể giúp các DNNVV vay được vốn từ các tổ chức tín dụng nhằm thực hiện các dự án đầu tư hiệu quả. Thứ hai là các DNNVV đã trực tiếp thu được hiệu quả kinh tế, tài chính đó là giảm chi phí sản xuất từ 10-50%; Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đến 30%; Nâng cao khả năng cạnh tranh. Thứ ba là việc thực hiện thành công các dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đã góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong 5 ngành gạch, gốm sứ, bột giấy, dệt may và chế biến thực phẩm. Riêng ngành gạch và gốm sứ, bên cạnh việc giảm thiểu ô nhiễm còn giúp tạo ra gần 10.000 việc làm cho khu vực nông thôn, làng nghề.

Dự án PECSME được UNDP đánh giá cao, là một trong những dự án thành công nhất trong Chương trình quốc gia hợp tác giữa UNDP và Chính phủ Việt Nam về phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đình Hậu - Giám đốc Dự án PECSME: “Về đích” tất cả các mục tiêu đề ra trong văn kiện.

Khi bắt đầu được triển khai, mục tiêu tổng quát của dự án PECSME là giảm phát thải khí nhà kính trong 5 ngành công nghiệp (gồm sản xuất gạch, gốm sứ, giấy và bột giấy, dệt may và chế biến thực phẩm thông qua việc xóa bỏ các rào cản để áp dụng các kinh nghiệm quản lý tiên tiến và ứng dụng công nghệ hiệu quả năng lượng nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả). Qua 5 năm thực hiện, đến nay, dự án đã “về đích” ở tất cả các mục tiêu, điển hình như thực hiện được 543 dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong 5 ngành công nghiệp kể trên. Tổng mức năng lượng tiết kiệm được do thực hiện các dự án là 232.000 TOE; Giảm phát thải 944.000 tấn CO2; Chi phí năng lượng giảm trung bình trên giá thành sản phẩm là 24,3%.

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm TKNL TP Hồ Chí Minh: Truyền thông và nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng là một trong những hợp phần thành công nhất của dự án PECSME.

Dự án PECSME khi triển khai ở TP. Hồ Chí Minh bao gồm 6 hợp phần: Phát triển và hỗ trợ về chính sách và thể chế; Truyền thông và nhận thức; Phát triển năng lực kỹ thuật; Hỗ trợ cung ứng dịch vụ hiệu quả năng lượng; Thu xếp tài chính; Dự án trình diễn. Nhận thức được rằng truyền thông nâng cao nhận thức là yếu tố quan trọng giúp dự án thực hiện thành công cũng như tạo được sự bền vững sau khi kết thúc, hợp phần truyền thông nâng cao nhận thức đã được triển khai mạnh mẽ với khoảng 45 hội thảo chuyên đề về năng lượng, TKNL, năng lượng mới. Bên cạnh đó, hội thi hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được tổ chức hàng năm với tổng số 100.000 hộ gia đình trên địa bàn thành phố tham gia hàng năm. Cuộc thi sinh viên - học sinh tìm hiểu về TKNL cũng được tổ chức với trên 150.000 người tham gia từ năm 2002-2009.

Đặc biệt, từ sự hỗ trợ của dự án PECSME, giải thưởng truyền thông về TKNL đã được tổ chức lần đầu từ năm 2007. Kể từ đó đến nay, đây đã trở thành hoạt động thường niên. Giải thưởng này là một trong những hoạt động quan trọng góp phần tạo đà cho hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về TKNL được triển khai khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Ông Hà Bạch Đằng - Giám đốc Sở KHCN Hải Dương: Dự án PECSME giúp “xóa sổ” hoàn toàn lò gạch thủ công

Làm gạch đất sét nung là một trong những ngành công nghiệp chính của Hải Dương với công suất đạt gần 1 tỷ viên/năm, trong đó một nửa sản lượng phục vụ cho nhu cầu trong tỉnh, một nửa dành phục vụ các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, lò gạch thủ công lại là “thủ phạm” chính gây ô nhiễm môi trường, hư hại hoa màu và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, năm 2002, UBND tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ DN xây dựng 34 lò gạch liên tục kiểu đứng.

Từ năm 2005-2010, khi triển khai ở Hải Dương, dự án PECSME đã phối hợp với Sở KHCN Hải Dương phát triển thêm 121 lò gạch liên tục kiểu đứng, nâng tổng số lò gạch liên tục kiểu đứng trên địa bàn tỉnh lên 155 chiếc, công suất khoảng 600 triệu viên/năm. Việc này đã tạo đà cho Hải Dương xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công truyền thống từ năm 2006. Tính đến nay, mỗi năm ngành sản xuất gạch đất sét nung của tỉnh tiết kiệm được 35.000-40.000 tấn than cám, hàng ngàn tấn củi. Đặc biệt, sản xuất gạch không còn gây ô nhiễm môi trường như thời gian trước.

Từ thành quả này, sau khi dự án kết thúc, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định nhân rộng những kết quả thu được với việc hỗ trợ cho các DN muốn xây dựng các giải pháp TKNL 40 triệu đồng/DN. Đồng thời, Hải Dương sẽ tiếp tục các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức để DN ý thức được những hiệu quả mà TKNL mang lại.

Ông Lê Đức Trọng – Giám đốc Công ty Thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng: Hiệu quả cao từ lò gas nung gốm 9m3

Giống như nhiều DN sản xuất gốm sứ khác tại Bát Tràng, trước đây, Công ty Thiết kế và Sản xuất Gốm sứ Bát Tràng thường sử dụng than là nhiên liệu chính để để nung gốm sứ. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm trong làng nghề gốm sứ Bát Tràng, gây lãng phí nhiên liệu dẫn đến giá thành sản xuất cao và hạn chế tính cạnh tranh của DN.

Từ năm 2007, sau khi tham gia vào dự án PECSME, công ty đã thực hiện chuyển giao lò đốt than sang lò gas 9m3. Thế hệ lò mới này đã giúp tiết kiệm được 181,92 TOE/năm, đồng thời giảm thiểu 715,3 tấn CO2/năm. Về môi trường, lượng ô nhiễm chất thải khí và chất thải rắn giảm trên 12 lần so với công nghệ cũ.

Không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi công nghệ, để nhân rộng điển hình từ mô hình thành công của công ty, công ty còn được đào tạo 2 cán bộ kỹ thuật kiểm toán năng lượng và 2 kiểm toán này đã tiếp tục tư vấn giúp 70 DN khác xây dựng hồ sơ tham gia dự án./.

Bảo Ngọc
Theo http://www.ven.vn (nthang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->