Vi khuẩn lam đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thủy vực, là sinh vật sơ cấp trong môi trường nước. Cùng với vi tảo, vi khuẩn lam cung cấp năng lượng sơ cấp cho những sinh vật ở bậc cao hơn trong tháp năng lượng. Khi chết chúng tạo ra nhiều bùn bã hữu cơ, là nguồn thức ăn quan trọng cho nhiều loài sinh vật. Nhiều loài vi khuẩn lam làm tăng độ phì nhiêu của đất bằng khả năng cố định đạm. Ngoài ra, một số loài vi khuẩn lam còn được dùng để làm sạch các nguồn nước thải. Trong điều kiện môi trường thuận lợi ở các thủy vực giàu dinh dưỡng, vi khuẩn lam dễ dàng phát triển mạnh và gây hiện tượng “nước nở hoa” gây độc cho môi trường và ảnh hưởng bất lợi đến các sinh vật khác.
Việc nghiên cứu đa dạng thành phần vi khuẩn lam ở nhiều sinh cảnh khác nhau có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá chất lượng môi trường tại các vùng nghiên cứu. Đồng bằng sông Cửu Long có hệ sinh thái rất đa dạng như: ruộng lúa, rừng tràm, rừng ngập mặn, vùng núi. Đặc biệt là Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười – Tiền Giang (ĐTM – TG) được đặc trưng bởi hệ sinh thái rừng tràm, là nơi lưu giữ những sinh cảnh tự nhiên còn lại của vùng Đồng Tháp Mười thuộc khu vực ĐBSCL, thành lập vào tháng 3/2000, có tổng diện tích là 1900 ha, thuộc địa bàn hai xã Thạnh Tân, Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang; đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào về vi khuẩn lam. Vì thế, việc nghiên cứu về khu hệ bổ sung thành phần loài là cần thiết. Từ thực tiễn trên, việc khảo sát thành phần loài vi khuẩn lam ở Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM - TG đã được Nguyễn Hương Ly và Ngô Thanh Phong Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Thành phần loài vi khuẩn lam ở Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười – Tiền Giang được nghiên cứu từ tháng 9/2015 đến tháng 8/2016. Kết quả đã ghi nhận được 49 loài vi khuẩn lam của 3 bộ (Chroococcales, Oscillatoriales, Noctoscales), 8 họ, 17 chi. Trong đó, bộ Chroococcales ưu thế nhất với 27 loài, chiếm 55,1%; tiếp đến là bộ Oscillatoriales với 20 loài chiếm 40,8%. Còn lại thành phần loài ít nhất là bộ Noctoscales với 2 loài, chiếm 4,1%. Tất cả các thủy vực khảo sát đều có sự phân bố của vi khuẩn lam. Thành phần loài vi khuẩn lam phân bố không đều ở các điểm thu mẫu, phân bố nhiều ở các điểm Đ01, Đ03, Đ04, Đ05, và Đ06. Bộ Chroococcales chiếm ưu thế về số lượng loài ở điểm Đ04, với 17 loài. Loài Synechocystis aquatilis có phạm vi phân bố rộng, xuất hiện ở cả 10 điểm khảo sát. |