Thiết bị này có hình dạng tương tự các ổ USB thông thường, nhưng có nhiều tính năng đặc biệt: Không bị lây nhiễm các phần mềm, mã độc khi sử dụng để sao chép dữ liệu; tự động mã hóa dữ liệu và giải mã khi chuyển sang máy tính bằng thuật toán. Mật khẩu người sử dụng cũng được mã hóa và lưu trữ trên USB, nếu nhập sai mười lần sẽ bị khóa thiết bị. Qua việc đưa vào sử dụng thử nghiệm cho thấy USB hoạt động ổn định, giao diện tiếng Việt dễ sử dụng, chống được các phần mềm độc hại.
Rô-bốt do thám siêu nhỏ
Nhóm nghiên cứu tại Trường đại học Harvard vừa chế tạo thành công rô-bốt do thám siêu nhỏ, có thể dễ dàng bay lượn, bám trên tường trong thời gian dài như côn trùng và có thể tiết kiệm năng lượng nếu dừng bay. Rô-bốt sử dụng năng lượng tĩnh điện, có thể hạ cánh và cất cánh ngay tức khắc và có khả năng tự gắn trên bất cứ bề mặt tĩnh điện nào (gỗ, kính hoặc các chất liệu hữu cơ). Với khả năng bám trên các bề mặt, rô-bốt mới có thể thực hiện rất nhiều chức năng mà con người không thể thực hiện, nhất là trong công tác tìm kiếm và giải cứu. Ngoài ra, rô-bốt còn được dùng để do thám, với khả năng tự động treo mình yên lặng trên trần nhà khi cần thiết, tự cất cánh khi không có người chung quanh. Các nhà khoa học đang tiếp tục hoàn thiện để rô-bốt có thể được ứng dụng vào thực tế từ 5 đến 10 năm tới.
Nơ-ron nhân tạo giống não người
Nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của IBM tại Du-rích (Thụy Sĩ) vừa chế tạo thành công phiên bản trí tuệ nhân tạo, có thể làm việc mô phỏng theo nơ-ron trong não người. Các nhà khoa học đã sử dụng một lớp màng làm từ hợp chất có khả năng thay đổi trạng thái khi có dòng điện chạy qua, được kẹp giữa hai điện cực để mô phỏng. Màng của nơ-ron nhân tạo sẽ có dạng vô định hình, dẫn điện kém, nhưng khi có dòng điện chạy qua thì sẽ kết tinh lại cho tới khi có thể dẫn điện, tương tự với nơ-ron trên não người. Nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ đưa các nơ-ron nhân tạo vào một con chíp, qua đó sẽ được dùng để thực hiện nhiệm vụ: Nhận diện khuôn mặt, giọng nói, nhiệt độ cơ thể, nhịp tim… |