TS Đỗ Hoàng Tùng bên chiếc máy plasma lạnh điều trị vết thương.
Hơn 10 năm trước, GS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Vật lý từng nói với Đỗ Hoàng Tùng (khi đó còn làm việc tại Viện Vật lý lý thuyết) rằng, không hiểu tại sao ngành vật lý plasma ứng dụng rất nhiều mà Việt Nam chưa thấy ai học. Thầy đã đưa cho anh hai hướng lựa chọn: Tiếp tục đi sâu vào Vật lý lý thuyết hoặc đi theo hướng nghiên cứu plasma để trở thành người đặt những viên gạch nền móng xây dựng chuyên ngành này tại Việt Nam. Vốn là người thích khám phá cái mới, Tùng đã chọn hướng đi nghiên cứu về plasma dù biết sẽ gặp nhiều thử thách và khó khăn. Khi ở Đức, mới đầu Tùng nghiên cứu về plasma áp suất thấp để chế tạo vật liệu na-nô. Tuy nhiên, do các thiết bị plasma áp suất thấp rất đắt tiền cho nên anh chuyển hướng sang nghiên cứu plasma áp suất khí quyển (lạnh), nhất là plasma y sinh. Hơn tám năm ở chính nơi được coi là cái nôi của công nghệ plasma, TS Đỗ Hoàng Tùng đã cố gắng mày mò, học định hướng của ngành plasma, “nhìn ngó” xem người ta làm gì, mình làm được gì để ứng dụng được khi về Việt Nam. Khi đã nhìn ra được con đường đi của mình, năm 2011, TS Đỗ Hoàng Tùng về Việt Nam, bắt đầu từ một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở chỉ với 15 triệu đồng và “vốn dắt lưng” để thực hiện đam mê, dần thực hiện những gì đã học được.
Sau bốn năm nghiên cứu và thử nghiệm, TS Đỗ Hoàng Tùng cùng các cộng sự đã sáng chế thành công máy phát tia plasma lạnh có tên PlasmaMed ứng dụng công nghệ hồ quang trượt (Gliding arc plasma - GAP) - một trong những chiếc máy phát tia plasma đầu tiên trên thế giới dựa trên nguyên lý này. TS Đỗ Hoàng Tùng cho biết, plasma là một trong bốn trạng thái của vật chất, bên cạnh dạng rắn, lỏng và khí. Nhóm nghiên cứu sử dụng nguyên lý hồ quang trượt để ion hóa khí agon thành plasma, tạo ra các gốc tự do, electron, ion và tia cực tím đều có khả năng diệt khuẩn. Tác động tổng hợp của chúng khiến cho plasma diệt khuẩn nhanh, phổ rộng, có tác dụng cả với vi khuẩn kháng kháng sinh, đồng thời tái tạo mô, nhanh làm lành vết thương mà quá trình điều trị không cần tới kháng sinh. Trước tình trạng kháng kháng sinh của vi sinh vật ngày càng tăng gây khó khăn trong điều trị, việc nghiên cứu những ứng dụng có khả năng diệt vi sinh vật thay thế cho kháng sinh là rất quan trọng. Trong đó, nghiên cứu ứng dụng plasma trong diệt khuẩn đã phát triển rất mạnh trong những năm gần đây ở các nước phát triển. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có bốn thiết bị plasma lạnh trên thế giới có chứng chỉ CE của châu Âu cho thiết bị y tế, đến từ các quốc gia Đức, Anh và I-xra-en.
Sau khi đã được kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn, chiếc máy PlasmaMed của nhóm nghiên cứu đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế. Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp bằng sáng chế cho TS Đỗ Hoàng Tùng và các cộng sự. Hiện nay, có khoảng 11 máy PlasmaMed đang được đặt ở nhiều bệnh viện lớn như: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trưng Vương và Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ngoài ra, một số thẩm mỹ viện cũng sử dụng máy này và cho phản hồi tốt. BS Phạm Đăng Nhật, Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trường hợp người bệnh N.T.P bị viêm xương gót mãn tính, vết thương bị hoại tử và nhiễm trùng nặng đã kéo dài hơn 5 năm. Áp dụng chữa trị vết thương bằng công nghệ plasma của nhóm nghiên cứu, sau khoảng sáu lần chiếu tia plasma lạnh, trong thời gian gần một tháng, người bệnh khỏi hoàn toàn. Theo BS Nhật, mỗi lần chiếu tia plasma lạnh vào vết thương chỉ kéo dài khoảng năm phút, người bệnh được chiếu khoảng sáu đến tám lần. Quá trình điều trị không phát hiện tác dụng phụ nào, người bệnh cũng không phải sử dụng thêm thuốc kháng sinh, giảm được chi phí điều trị. Theo BS Nhật, phương pháp này cho những kết quả rất khả quan, an toàn, không gây tác dụng phụ, vừa có tác dụng kháng khuẩn lại vừa giúp lành vết thương cho nên không cần sử dụng kháng sinh trong quá trình điều trị. Trường hợp khác ở Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) bị loét gót chân, nhiễm khuẩn, hoại tử, bệnh viện phải trả về. Tuy nhiên, sau 27 ngày điều trị bằng phương pháp plasma, người bệnh khỏi hoàn toàn mà không cần phẫu thuật. Nhiều trường hợp cũng đã được điều trị vết thương thành công bằng phương pháp này.
TS Đỗ Hoàng Tùng cho biết, từ những thành công bước đầu để tiếp tục phát triển sản phẩm cũng như đưa những ứng dụng plasma phục vụ cuộc sống, anh và bạn bè đã thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ Plasma. Hiện nay, nhóm đang tiến hành làm thủ tục để Việt Nam là nước tiếp theo có thiết bị plasma lạnh được châu Âu công nhận. Bước đầu, nhiều bệnh viện đang ngỏ ý muốn chuyển giao sản phẩm này. Hiện nay, xưởng sản xuất máy ở Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) có công suất 50 máy/ngày và có thể đáp ứng được nhu cầu của các bệnh viện và thẩm mỹ viện có nhu cầu. |