Học tiếng Anh từ khi chưa "sõi" tiếng Việt, thậm chí là chưa biết mặt chữ, tưởng như là một việc khó khăn đối với trẻ. Nhưng từ thực tế giảng dạy, thầy Dean Souter, giám đốc đào tạo Trung tâm Anh ngữ Cleverlearn Việt Nam khẳng định, bắt đầu học tiếng Anh ở tuổi này, trẻ không chỉ học tiếng Anh mà còn học nhiều kỹ năng khác.
Học kỹ năng học
Có nhiều kỹ năng trẻ có thể tập trung học được trước khi đến thời điểm học đọc và viết, chẳng hạn như học cách tương tác với mọi người, học cách tập trung, học cách ứng xử, học cách chú ý đến giáo viên, học để hiểu tại sao trẻ có mặt trong lớp học này... Tất cả những kỹ năng này giúp hình thành nền tảng cho việc học, không chỉ đối với tiếng Anh và trên thực tế sẽ hỗ trợ khả năng học của bé rất nhiều ở bất kể lĩnh vực nào. Thiếu những kỹ năng này trẻ sẽ không thể tiến xa được trong việc học tập. Điều quan trọng là những kỹ năng này chỉ có thể được học thông qua những trải nghiệm thực và thường thì lớp học là môi trường tốt nhất cho những trải nghiệm như vậy.
Ngoài ra, kỹ năng phát ngôn cũng là một kỹ năng được kích thích phát triển khi trẻ học tiếng Anh. Nhiều trẻ thường có xu hướng chỉ lẩm nhẩm những từ vựng trong miệng hoặc nói ra rất nhỏ và nhẹ. Mặc dù phát ngôn không có nghĩa là nói thật to, mà cần phải rõ ràng và khả năng bật nói tốt. Nói một cách hình ảnh, một câu trẻ nói ra phải có xu hướng đi thẳng lên chứ không phải rơi xuống sàn nhà. Điều này rất quan trọng, không chỉ trong việc học tiếng Anh mà cả trong cuộc sống. Kỹ năng này trẻ có thể học được tốt nhất ngay từ khi còn nhỏ thông qua các bài hát, các giai điệu tiếng Anh.
Ngôn ngữ có mục đích
Hãy nhớ rằng ngôn ngữ có mục đích - chúng ta không học ngôn ngữ chỉ vì bản thân ngôn ngữ đó, mà chúng ta học vì mục đích sử dụng nó để giao tiếp. Ghi nhớ được nhiều từ vựng trong đầu sẽ chẳng ích gì nếu bạn không sử dụng chúng. Một giáo viên giỏi phải luôn đưa ra được một mục tiêu, một lý do để trẻ giao tiếp và từ đó trẻ sẽ dần hình thành nguyện vọng được giao tiếp. Một khi trẻ thực sự có nguyện vọng muốn giao tiếp, muốn bộc lộ những suy nghĩ của chúng đối với giáo viên hay với những người nói tiếng Anh, chúng sẽ muốn học hơn nữa và như vậy chúng đã tạo được động cơ thực sự và chắc chắn cho việc học. Hãy quên đi những từ vựng hay những đoạn văn dài lấy ra từ sách vở, những thứ đó là vô nghĩa và làm cho trẻ thấy việc học tiếng Anh thật chán ngắt, thậm chí nó còn làm hỏng hững thú học tiếng Anh của trẻ.
Cho đến nay, phương pháp học một ngôn ngữ hiệu quả nhất là hòa nhập hoàn toàn trong môi trường ngôn ngữ đó. Thế nhưng, đến 99% trẻ em Việt Nam không thể có môi trường nói tiếng Anh 24/7. Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng Anh trong gia đình có thể là một cách tạo môi trường nói cho trẻ trải nghiệm. Hãy bắt đầu với những từ đơn giản chẳng hạn như các đồ chơi (toys) - quả bóng (ball), gấu bông (teddy bear), ô tô (car) - và chỉ sử dụng những từ tiếng Anh này khi con bạn chơi với các đồ vật đó.
Tiến thêm một bước, bạn có thể sử dụng đến những từ chỉ hoạt động - đứng lên (stand up), ngồi xuống (sit down), mở cửa (open the door), đóng cửa (close the door), bật ti vi (turn on the television), tắt ti vi (turn off the television). Bằng cách này, những từ vựng mà trẻ tiếp nhận được không phải bằng cách dịch ra trong tư duy của trẻ, mà dần dần trở thành những từ mà chúng sử dụng tự nhiên như tiếng mẹ đẻ. Tiếng Anh sẽ đến với trẻ dần dần bởi vì chúng học được một cách tự nhiên từ môi trường gia đình.
|