Môi trường [ Đăng ngày (24/05/2011) ]
Khống chế, giảm thiểu rủi ro
Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây xáo trộn lớn đối với thế giới, nhất là Việt Nam với hơn 70% dân số chủ yếu sống bằng nghề nông. Tại Hội nghị tham vấn "Chiến lược quốc gia về BĐKH" vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn.

Hệ lụy từ BĐKH

Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, BĐKH đã thể hiện từng ngày, từng giờ ngay trước mắt chúng ta. Sự biến đổi bất thường của thời tiết, bão lũ với tần suất ngày càng tăng, cường độ mạnh, nước biển xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền… làm tổn thương nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Đây là mối đe dọa lớn đối với nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm như: Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, lưu vực sông Đồng Nai và các vùng ven biển. Theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, vào cuối thế kỷ XXI nhiệt độ có thể tăng 2-30C, nước biển sẽ dâng cao khoảng 75cm đến 1m so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Trong trường hợp nước biển dâng cao khoảng 1m, khoảng 40% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh vùng ven biển sẽ bị ngập; 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Trồng và bảo vệ rừng là một trong những biện pháp hạn chế tối đa những rủi ro do biến đổi khí hậu.

Liên quan đến ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cho rằng, BĐKH đã ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt nhất đến an ninh lương thực. Trên thực tế, thời gian qua, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn đã xâm nhập sâu, có nơi lấn sâu gần 70km, gây ngập úng, khiến người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Hiện tượng El Nino đã làm cho các tỉnh miền Bắc bị hạn hán kéo dài, miền Nam và Tây Nguyên mùa khô hạn đến sớm và không có mưa nghịch mùa như những năm trước, mùa mưa thường đến chậm hơn một tháng và lượng mưa phân phối không đều giữa các vùng làm cho cây trồng, vật nuôi phát triển kém, dịch bệnh nhiều hơn. Nhiều loại hoa chỉ nở về mùa hè nay do nhiệt độ cao lại nở rực rỡ ngay đầu xuân ảnh hưởng lớn tới năng suất và sản lượng cây trồng. Với ngành chăn nuôi, do nhiệt độ tăng cùng với biến động về khí hậu và thời tiết đã làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh bùng phát, gây ra những đại dịch trên gia súc, gia cầm, thiệt hại về kinh tế khá lớn,...

Giảm thiểu và thích ứng

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định, trước những thách thức của BĐKH, chúng ta phải có hành động thiết thực, cụ thể và khẩn trương để cứu lấy môi trường sống. Các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH của các ngành và địa phương sẽ là bộ phận quan trọng của Chiến lược quốc gia về thích ứng và giảm thiểu tác động BĐKH. Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, để thích ứng với BĐKH, việc đầu tiên là phải bảo đảm các nguồn lực tài chính, tăng mức đầu tư cho công tác này, nhất là đầu tư cho các dự án ứng phó cấp bách được triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó là nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý, hoàn thiện hệ thống thể chế tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật, lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý và giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án về BĐKH tại các địa phương...

Theo Thứ trưởng Đào Xuân Học, vấn đề xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình Hành động thích ứng và giảm thiểu BĐKH của Bộ NN&PTNT là hết sức cần thiết. Đối với chăn nuôi, sự phát triển ồ ạt các loại vật nuôi, cần phải có chiến lược giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bởi vì chất thải chăn nuôi không được xử lý là một trong những "thủ phạm" gây biến đổi hiệu ứng nhà kính do các loại khí CO2, NH4,… có trong phân và nước tiểu của động vật phát tán vào bầu khí quyển. Trong trồng trọt, cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020 thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu hecta đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, nâng tỷ lệ đất có rừng lên 47%, quản lý bền vững và có hiệu quả 8,4 triệu hécta rừng sản xuất, 5,68 triệu hécta rừng phòng hộ và 2,16 triệu hecta rừng đặc dụng,... Ngoài các giải pháp ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, phòng tránh lũ, lụt, bảo đảm nước tưới; giữ đất trồng lúa, kiên quyết không chuyển đất từ trồng lúa sang làm khu công nghiệp, đô thị, sân gôn mà nên sử dụng đất bạc màu, đất nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả cho mục đích này,... tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu hạn, mặn, ngập úng, có sức đề kháng với dịch bệnh cao thích ứng với BĐKH.

Có thể nói biến đổi khí hậu đã và sẽ gây ra vô vàn hiểm họa, nhất là với khu vực nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên nếu chúng ta đầu tư khoa học kỹ thuật hiện đại và có sự chỉ đạo kiên quyết trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân thì sẽ khống chế và giảm thiểu rủi ro do BĐKH gây ra.

Hoài Thu
Theo hanoimoi.com.vn(dtphong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Đầu tư hệ thống đường sắt - Cơ hội để phát triển công nghiệp hỗ trợ
Định hướng về phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Kết luận 49-KL/BCT, đó là “- Huy động tối đa các nguồn lực, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài; ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá. Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là trục "xương sống", khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế) và liên vận quốc tế. - Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt đồng bộ với các ngành công nghiệp khác”.


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->