Hoạt động [ Đăng ngày (19/05/2011) ]
Xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng
Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt N.T.P 2 năm 6 tháng tù treo về tội sản xuất hàng giả nhãn hiệu (NH). Hội đồng xét xử nhận định P có tình tiết giảm nhẹ mới là gia đình có công và đã nộp tiền phạt nên chấp nhận sửa án. Trước đó, Tòa án Nhân dân quận Tân Bình đã tuyên phạt P 2 năm 6 tháng tù. Đồng thời, tòa phạt bị cáo 5 triệu đồng.

Theo hồ sơ, P là Giám đốc Công ty May và xuất nhập khẩu Hoàng Huỳnh tại quận Tân Bình. Tháng 12.2007, một người buôn bán quần áo tại Ukraine đến liên hệ với P đặt may gia công 1.500 chiếc áo thun lưới gắn NH Adidas và Nike. Sau đó, P đã mua vải, các phụ liệu tại chợ Tân Bình, đưa về cơ sở tự cắt và đưa cho các thợ bên ngoài may gia công.

Đến tháng 2.2008, Đội Quản lý thị trường quận Tân Bình phát hiện P sản xuất gần 1.500 cái áo thun không cổ, hàng Việt Nam giả hai NH nổi tiếng Adidas và Nike có giá trị gần 150 triệu đồng. Những sản phẩm này đều không đảm bảo chất lượng, NH của hai hãng Adidas và Nike đã được bảo hộ tại Việt Nam.

(Nguồn: Công an TP HCM)

Bình luận

1. NH là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá (HH), dịch vụ (DV) của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Bên cạnh NH thông thường còn có NH tập thể, NH chứng nhận, NH liên kết và NH nổi tiếng với các chức năng khác nhau.

NH nổi tiếng, theo quy định tại Điều 4.20 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) là NH được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tiêu chí được xem xét để đánh giá một NH (có thể là NH thông thường, NH tập thể, NH chứng nhận hoặc NH liên kết) trở thành NH được coi là nổi tiếng khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 75 Luật SHTT, gồm: 1) Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến NH thông qua việc mua bán, sử dụng HH, DV mang NH hoặc thông qua quảng cáo; 2) Phạm vi lãnh thổ mà HH, DV mang NH đã được lưu hành; 3) Doanh số từ việc bán HH hoặc cung cấp DV mang NH hoặc số lượng HH đã được bán ra, lượng DV đã được cung cấp; 4) Thời gian sử dụng liên tục NH; 5) Uy tín rộng rãi của HH, DV mang NH; 6) Số lượng quốc gia bảo hộ NH; 7) Số lượng quốc gia công nhận NH đó là NH nổi tiếng; 8) Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của NH.

2. Khi được thừa nhận, được coi là nổi tiếng, NH đó có sức mạnh riêng. Điều 6BIS của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (SHCN) có quy định: “... các nước thành viên Công ước có trách nhiệm, theo chức năng quản lý nếu luật quốc gia cho phép điều đó, hoặc theo đề nghị của bên có liên quan, từ chối hoặc hủy bỏ đăng ký, ngăn cấm việc sử dụng NH mà NH đó là sự sao chép, bắt chước, chuyển đổi và có khả năng gây nhầm lẫn với các NH đã được cơ quan có thẩm quyền của nước đăng ký hoặc nước sử dụng coi là NH nổi tiếng tại nước đó như là NH thuộc về người được hưởng lợi thế của Công ước và sử dụng trên các loại HH giống hoặc tương tự. Những quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp thành phần chủ yếu của NH là sự sao chép của bất kỳ NH nổi tiếng nào hoặc sự bắt chước có khả năng gây nhầm lẫn với NH trước đó...”. Việt Nam là thành viên của  Công ước Pari năm 1883.

Như vậy, NH khi được đánh giá, coi là NH nổi tiếng thì không cần đăng ký mà vẫn được pháp luật bảo hộ.

Điều 129.1.d Luật SHTT xác định hành vi xâm phạm quyền NH nổi tiếng là khi “Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với NH nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ NH nổi tiếng cho HH, DV bất kỳ, kể cả HH, DV không trùng, không tương tự và không liên quan tới HH, DV thuộc danh mục HH, DV mang NH nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc HH hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu NH nổi tiếng”.

3. Vậy trong trường hợp nào cần yêu cầu và cơ quan nào có thẩm quyền đánh giá, coi một NH bình thường là NH nổi tiếng để cho NH đó hưởng các quyền của một NH nổi tiếng?

Cần yêu cầu xác định NH nổi tiếng trong một số trường hợp:
Trường hợp tiến hành xác lập quyền, nhưng bị từ chối vì NH của mình  tương tự gây nhầm lẫn với NH của người khác, hoặc bị loại trừ thì tổ chức, cá nhân đề nghị xác lập quyền cho NH này chứng minh NH của mình đáp ứng các điều kiện để được coi là NH nổi tiếng. Từ đó, yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực một văn bằng đã cấp hoặc phản đối việc sẽ cấp cho một NH khác trên cơ sở NH đó gây nhầm lẫn với NH nổi tiếng.

Trường hợp yêu cầu xử lý hành vi xâm  phạm quyền, cạnh tranh không lành mạnh  đối với NH nổi tiếng.
Như vậy, chỉ có Cục SHTT và Tòa án tiến hành xem xét, đánh giá và công nhận một NH là nổi tiếng khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong từng vụ việc cụ thể (phản đối, đề nghị hủy bỏ, đề nghị xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với NH). Từ các trường hợp trên, có thể thấy không có việc ngay từ đầu, nộp đơn đăng ký, hoặc đề nghị công nhận một NH là NH nổi tiếng.

4. Trở lại vụ việc xâm phạm quyền của Hoàng Huỳnh, NH Adidas và Nike có được coi là NH nổi tiếng không?
Hàng năm, Công ty Interbrand và Tạp chí BusinessWeek đưa ra danh sách các NH nổi tiếng trên thế giới trên cơ sở sử dụng, tổng hợp, phân tích từ dữ liệu, tiêu chí để xếp hạng NH nổi tiếng và giá trị các NH nổi tiếng của các hãng nghiên cứu thị trường uy tín nhất. Các điều kiện để xếp hạng 100 NH nổi tiếng của Interbrand và BusinessWeek cũng tương tự như quy định tại Điều 75 Luật SHTT. Để được có tên trong danh sách này, mỗi NH sản phẩm phải có ít nhất 1/3 doanh thu là từ thị trường nước ngoài, được đông đảo người tiêu dùng không thuộc đối tượng khách hàng mục tiêu của hãng thừa nhận và xuất hiện trong hệ thống cơ sở dữ liệu marketing và tài chính công khai. Trong danh sách 100 NH nỗi tiếng do Interbrand và BusinessWeek đưa ra hàng năm có NH Adidas, Nike.

NH Adidas (Đức) nhóm HH thể thao, năm 2006 xếp thứ 64, năm 2007 xếp  thứ 70 (trị giá chuyển nhượng 4,6 tỷ USD), năm 2008 xếp thứ 70 và năm 2009 xếp thứ 62 (trị giá 5, 4 tỷ USD).

NH Nike (Mỹ) nhóm HH thể thao, năm 2006 xếp thứ 31, năm 2007 xếp thứ 29 (trị giá chuyển nhượng 12 tỷ USD), năm 2008 xếp thứ 29, năm 2009 xếp thứ 26 (trị giá 13,179 tỷ USD). Như vậy, Adidas và Nike liên tục trong nhiều năm được xếp loại thuộc 100 NH nổi tiếng trên thế giới.

Thực tế tại Việt Nam, Adidas, Nike là hai trong số các NH được người tiêu dùng sử dụng hàng thể thao và lớp trẻ biết đến thông qua việc mua bán, sử dụng HH mang NH hoặc thông qua quảng cáo. Như vậy, trong trường hợp Hoàng Huỳnh sản xuất các HH thuộc nhóm HH mang NH Adidas và Nike thì sẽ bị xử lý vì hành vi xâm phạm NH nổi tiếng.

Ngay cả trong trường hợp Hoàng Huỳnh sản xuất HH không thuộc nhóm HH của Adidas và Nike cũng có thể bị xử lý. Việc xử lý đó căn cứ vào Điều 11.4.b Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định trong trường hợp  “HH, DV không trùng, không tương tự, không liên quan tới HH, DV mang NH nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc HH, DV hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, DV đó với chủ sở hữu NH nổi tiếng”.

5. Như đã trình bày ở điểm 3, một trong hai cơ quan có thẩm quyền đánh giá, coi một NH có nổi tiếng hay không là Tòa án khi xử lý các vụ việc cụ thể. Trong trường hợp này Tòa án đã coi Adidas và Nike là NH nổi tiếng ở Việt Nam.

Căn cứ Thông tư Liên tịch của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp số 01 ngày 20.2.2008 thì đối với hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo NH sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các mức độ đánh giá hành vi nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khi xem xét các tiêu chí: “Đã thu được lợi nhuận, hoặc gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu HH, hoặc giá trị HH vi phạm”.

Nếu đánh giá theo tiêu chí giá trị HH giả mạo thì trường hợp HH vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng là nghiêm trọng. Trường hợp HH vi phạm có giá trị từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng là rất nghiêm trọng. Và HH vi phạm có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên là đặc biệt nghiêm trọng.
Hoàng Huỳnh sản xuất lượng HH có giá trị là 150 triệu đồng. Vì vậy, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức độ nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.

Cần lưu ý nếu trong các trường hợp: Đã thu được lợi nhuận từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu NH từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng, hoặc giá trị HH giả mạo từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng, thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi có yêu cầu của chủ thể quyền NH bị giả mạo.

Lê Văn Kiều - Nguyên Chánh Thanh tra Bộ KH&CN
Theo tchdkh.org.vn (nvdat)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->