Hoạt động [ Đăng ngày (16/05/2011) ]
Đòi tiền sở hữu trí tuệ: Công cốc?
TS Phan Đức Tác có bằng sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Nhiều đơn vị đã ứng dụng kỹ thuật nêu trong sáng chế cho các công trình bảo vệ bờ. Thế nhưng, dường như không có ai nghĩ đến việc trả tiền cho tác giả sáng chế. Thậm chí, có đơn vị còn đòi kiện ngược lại tác giả...

“Rất nhiều nơi từ Bắc chí Nam trong nhiều năm nay đã sử dụng sáng chế “Mái bê tông, lắp ghép dùng cho các công trình bảo vệ bờ” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 1994. Thế nhưng, cho đến nay chỉ mới có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu trả cho tôi một số tiền tượng trưng”, TS Phan Đức Tác, tác giả sáng chế, cho biết.

Dốc công đòi tiền

 Hiện TS Tác đang sở hữu ba bằng độc quyền sáng chế và một giải pháp hữu ích về các giải pháp kỹ thuật, công nghệ bảo vệ chống xói lở bờ sông, bờ biển. Để có thể sống được với các sáng chế của mình, ông đã thành lập Doanh nghiệp khoa học và công nghệ  kè bờ Minh Tác.

Ông Tác than phiền: “Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ của tôi từ chủ đầu tư; đơn vị tư vấn, thiết kế; đến đơn vị chịu trách nhiệm thi công... đều không ai chịu trả khoản tiền sở hữu trí tuệ“.

Đầu tháng 4/2011, TS Tác đã có văn bản gửi đến Khu Đường sông TP.HCM (chủ đầu tư), Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng thủy lợi thủy điện Nam Việt (đơn vị tư vấn thiết kế), Công ty Cổ phần Xây lắp thủy sản 2 (đơn vị sản xuất, thi công) để yêu cầu các đơn vị trên chấm dứt áp dụng sáng chế của ông trong công trình kè bảo vệ Thanh Đa, hoặc phải trả cho ông một số tiền về tài sản trí tuệ.

Theo TS Tác, luật pháp quy định phải trả số tiền dưới 8% trên tổng giá trị tiền làm lợi so với việc áp dụng kỹ thuật công nghệ khác.   

Đùn qua đẩy về

Nhận được yêu cầu đòi tiền sở hữu trí tuệ của TS Tác, ông Trần Văn Giàu, Phó giám đốc Khu Đường sông TP.HCM cho biết thẳng thừng: Khu đường sông không thể trả khoản tiền sở hữu trí tuệ này được, vì kinh phí cho việc này đã không được duyệt từ đầu.

Mặc khác, đơn vị chủ đầu tư cũng không yêu cầu đơn vị thiết kế phải chọn giải pháp của TS Tác mà là do đơn vị  thiết kế đề xuất. Do vậy, nếu phải trả tiền sở hữu trí tuệ thì đơn vị thiết kế phải trả, chứ không phải chủ đầu tư.

Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Luyện, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng thủy lợi thủy điện Nam Việt cho rằng, công ty của ông sử dụng kỹ thuật mà Hà Lan đã thực hiện từ những năm 1930. Theo ông Luyện, cái mà TS Tác đã nghĩ ra có chăng chỉ là... một sáng kiến cải tiến kỹ thuật (?) và ông nói thêm:“Tôi nghĩ đến việc phải kiện Cục Sở hữu trí tuệ khi cấp bằng sáng chế độc quyền cho TS Tác và từ đó, đã gây khó khăn cho việc ứng dụng kỹ thuật trong các công trình kè bờ”.

Việc phải trả tiền tài sản trí tuệ có lúc được các bên đùn đẩy cho đơn vị thi công, nhưng đơn vị thi công khẳng định:“Chúng tôi phải làm đúng thiết kế đã được chủ đầu tư duyệt, nếu làm sai sẽ bị phạt và không thể quyết toán được”.

Một số người trong cuộc lại cho rằng, bằng sáng chế của TS Tác được cấp năm 1994 và đến nay đã quá thời gian 15 năm nên không còn được bảo hộ nữa.

Tuy nhiên, TS Tác không đồng ý với việc này và cho rằng khi Luật Sở hữu trí tuệ mới được áp dụng tăng thời gian bảo hộ lên 20 năm đối với sáng chế độc quyền, thì bằng của ông đã được kéo dài theo đủ thời gian bảo hộ này.

Thái Ngọc
Theo Theo datviet.com (nvdat)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->