Tủ lạnh
Nên chọn mua tủ lạnh (TL) như thế nào?
Chọn mua TLcó hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, có dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương. Không nên mua TL quá cũ hoặc đã qua sữa chửa.Chọn mua TL có công suất phù hợp: Thông thường công suất TL được chọn theo số lượng người trong gia đình, mỗi người cần khoảng 20 đến 25 lít dung tích, cộng thêm 25 lít phụ trợ.
Ví dụ: một gia đình có 4 nhân khẩu thì mua TL có dung tích 4 x 25 + 25 = 100 + 25 = 125 lít, tức là mua TL có dung tích khoảng từ 125 lít đến 150 lít là vừa. Nên chọn mua TL có nhiều ngăn, nhiều cửa tủ cho các chức năng khác nhau.
Những lưu ý khi lắp đặt tủ lạnh
Đặt TL nơi thoáng gió, không đặt TL gần các vật phát nhiệt (bếp gas, bếp lò...) hay ánh nắng mặt trời chiếu vào vì sẽ làm chậm sự tản nhiệt gây tốn điện. Nên đặt TL cách tường tối thiểu 10cm để đảm bảo lưu thông không khí làm mát dàn nóng thường được gắn sau lưng tủ lạnh.
Cách sử dụng TL sao cho hiệu quả?
Điều chỉnh nhiệt độ hợp lý, nhiệt độ càng cao càng ít tốn điện: nhiệt độ tốt nhất ở buồng đóng băng là từ -150C đến -180C, ở ngăn bảo quản thực phẩm là từ 70C đến 80C.
Không nên cho thức ăn còn nóng vào trong TL. Sắp xếp chúng ngăn nắp, cần phải chừa khoảng hở giữa từng món để không khí lưu thông đều và làm lạnh thực phẩm. Các khay, hộp đựng thức ăn nên sử dụng các chất liệu bằng kim loại dẫn nhiệt tốt như nhôm hay inox thay vì bằng nhựa.
Hạn chế mở TL nhiều lần và thời gian mở lâu quá mức cần thiết. Mỗi tháng nên rút điện, rã đông tủ một lần. Nên vệ sinh TL thường xuyên cả bên trong và bên ngoài.
Máy giặt
Cách chọn mua máy giặt tiết kiệm điện?
Nên chọn máy giặt lồng ngang, có khả năng giặt sạch và tiết kiệm nước, tuy nhiên giá thành có cao hơn máy lồng đứng. Nên chọn máy có áp dụng công nghệ inverter (máy biến tần) có khả năng tiết kiệm điện.
Chọn máy giặt theo nhu cầu sử dụng với công suất phù hợp, rõ ràng việc sở hữu một chiếc máy giặt có công suất vừa phải theo nhu cầu sẽ ít hao tổn điện năng hơn việc máy phải hoạt động với công suất quá lớn/ quá nhỏ so với yêu cầu.
Mẹo tiết kiệm điện, nước cho máy giặt?
Khi giặt nên phân loại quần áo theo từng nhóm vải dày, vải mỏng để kiểm soát được trọng lượng giặt, khi đó máy sẽ chạy êm hơn, đỡ hao điện, nước.
Để tiết kiệm điện năng tối đa thì không cần thiết sử dụng nước có nhiệt độ cao để giặt giũ.
Với những quần áo không quá dơ bẩn, chỉ cần giặt sơ qua, và nên chọn nước có mức nhiệt độ thấp. Chọn chế độ vắt theo độ ẩm không khí và vị trí phơi quần cáo. Chỉ dùng tốc độ vắt tối đa khi độ ẩm không khí trên 80% và phơi ở nơi có mái che.
Nên chọn chế độ vắt cao nhất. Cũng nên lưu ý thường xuyên vệ sinh lưới lọc máy bơm của máy giặt.
Máy giặt cần đặt ở nơi khô, thoáng và thật bằng phẳng, nếu mất cân bằng, máy không tiếp tục giặt hoặc vắt khô sẽ làm lồng giặt va vào thành máy tạo nên nhiều tiếng ồn… mạch điện và động cơ bị ảnh hưởng và rất hao điện.
Làm sao để cải thiện nguồn nước yếu vào máy giặt?
Nếu nguồn nước yếu, máy giặt sẽ tốn nhiều thời gian hơn cho cả quá trình, gây tốn điện. Bạn có thể cải thiện bằng cách sau: Hãy đặt máy nơi có áp lực nước thích hợp. Dùng bơm trợ lực hay đổ trực tiếp nước vào thùng giặt để máy giặt nhanh hơn.
Có nên sử dụng bột giặt riêng cho máy không?
Nên sử dụng bột giặt dành riêng cho máy giặt. Người sử dụng có thể sử dụng nhiều loại bột giặt khác nhau: thuốc dạng lỏng, bột giặt đậm dặc, bột giặt tổng hợp… nhưng sử dụng bột giặt dành riêng cho máy giặt sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Thực tế, bột giặt tay thường có công thức tạo nhiều bọt hơn, độ hòa tan kém hơn bột giặt máy. Chính vì thế khi sử dụng bột giặt tay cho giặt máy, bọt xà phòng sinh ra quá nhiều sẽ tràn qua lồng giặt, làm ẩm môi trường bên trong máy và mô tơ nên máy dễ hư hỏng.
Trong khi đó, bột giặt với công thức riêng dành cho máy thường ít bọt hơn nhưng lại có năng lực tẩy rửa cao hơn, làm cho quần áo xả mau sạch và có thể tiết kiệm được 1-2 lần nước.
Nên chọn loại máy giặt nào?
Máy giặt trên thị trường dành cho gia đình thường có khối lượng giặt giao động từ 5 – 13kg quần áo/lần giặt, trong đó mức phổ biến nhất là 6-7kg, phù hợp cho gia đình 4 thành viên.
Hiện nay có 3 loại máy giặt: thông dụng và bình dân nhất là máy giặt cửa trên – lồng đứng, tiếp đến là máy giặt lồng nghiêng 10 độ hoặc lồng ngang được ưa chuộng bởi hiệu quả giặt sạch hơn hẳn so với máy giặt lồng đứng. Tính năng ưu việt nhất của máy giặt lồng ngang là cơ chế giặt chuyển động xoay tròn nên không gây ra hiện tượng quần áo xoắn dính lại với nhau. Nhờ vậy, quần áo được bảo vệ tốt hơn, dễ dàng hơn trong việc là ủi và sử dụng. Còn nhược điểm là thời gian giặt lâu (thường kéo dài 2 tiếng cho chương trình giặt bình thường).
Cao cấp hơn là những chiếc máy giặt có giá từ 20 – 39 triệu đồng. Đó là những “hàng khủng” của công nghệ giặt ủi hiện đại, không chỉ giặt sạch mà còn là giặt an toàn và tiết kiệm, cũng như chức năng sấy khô đạt 98% giúp người tiêu dùng bỏ qua công đoạn phơi khô truyền thống mà không cần mua thêm 1 chiếc máy sấy nào nữa. Tùy theo điều kiện và nhu cầu mà các gia đình nên lựa chọn loại máy phù hợp. |