Từ đó tới nay, ông Tư Sáng tiếp tục cho “ra lò” thêm nhiều chiếc máy hữu dụng đối với công việc của nhà nông: Máy cào lúa chuyển hướng có remote điều khiển, máy cào lúa được nhiều lò... Điều lý thú là, từ một “Hai lúa” chính hiệu, không hề có một ngày học nghề cơ khí, đến khi sắp đủ tuổi được kết nạp vào hội... người cao tuổi, ông Tư Sáng mới trở thành nhà sáng chế máy nông cụ từng được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba...
Chiếc máy đầu tiên
Xưởng sản xuất của ông Tư Sáng chỉ là khoảnh sân phía sau nhà với lỉnh kỉnh đồ nghề, nguyên vật liệu. Tại không gian khá chật hẹp này, năm 2007, chiếc máy xúc lúa vô bao đầu tiên ra đời sau 4 tháng ông Tư Sáng mày mò với không ít lần thất bại. Ông Tư Sáng nhớ lại: “Lúc máy vận hành thành công, tui mừng muốn... rơi nước mắt!”. Mừng, bởi lẽ là một nông dân đã bao năm gắn bó với 15 công lúa, ông Tư Sáng thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người nông dân qua bao công đoạn làm ra hạt lúa.
Vụ sản xuất nào, khi thu hoạch lúa xong, bà con nông dân cũng rất ngán cái cảnh khi đang phơi lúa trời đổ mưa ào ào. “Không thu dọn kịp, lúa ướt lên mộng là coi như tiêu tùng như chơi. Khổ lắm!” – ông Tư Sáng trải lòng.
Khi các lò sấy lúa ra đời ngày càng nhiều, vụ lúa hè thu ở ĐBSCL –-lúc thu hoạch thường rơi vào thời điểm mưa nhiều – nông dân cũng đỡ khổ. Ấy nhưng, khi lúa sấy xong thường phải cần nhiều người cào thành đống, xúc lúa vô bao vừa mất thời gian, vừa vất vả. Những ngày mưa dầm dề, lúa chở đến xếp hàng chờ sấy thì chuyện xúc lúa đã sấy khô nhanh lẹ càng bức xúc. Chính từ thực trạng này, ông Tư Sáng đã nảy sinh ý tưởng - và sáng chế thành công - chiếc máy xúc lúa vô bao đầu tiên. Thu hoạch một mẻ lúa sấy khô (10 - 12 tấn), nếu xúc lúa vô bao thủ công phải cần 8 -9 công lao động làm suốt hơn 2 giờ liền. Với chiếc máy xúc lúa vô bao made in “Tư Sáng”, chỉ cần 3 công lao động và thời gian rút ngắn còn khoảng 60 phút.
Nhưng thành công đầu tiên không đến dễ dàng với nông dân Tư Sáng. Khi mới “ra lò”, máy xúc lúa vô bao có nhược điểm là người cầm bao hứng lúa đồng thời phải... hứng bụi. Ông Tư Sáng nhớ lại: “Lúc sản phẩm mới tiêu thụ được vài cái, một bữa tui cùng mấy ông bạn đang... liên hoan gọi là mừng công thì có khách hàng đem máy trả lại. Lý do: Bụi bay mù trời ai mà chịu thấu!”. Vậy là ông Tư Sáng lại tiếp tục nghiên cứu cải tiến, sau đó máy được thiết kế thêm bộ phận hút bụi. Thất bại, trắc trở nhiều lần, song ông Tư Sáng không nản chí.
Chẳng hạn như, chiếc máy xịt rầy BS - H1 ở gốc lúa ông tốn không ít công sức để chế tạo vào năm 2009. Thế nhưng, máy làm ra, đưa vào thực nghiệm thành công thì lại không cạnh tranh được với các loại máy phun thuốc BVTV của Trung Quốc. Theo ông Tư Sáng, máy xịt rầy của mình chỉ xịt được rầy ở gốc lúa; còn máy của Trung Quốc đa năng hơn, có thể sử dụng phun xịt cho nhiều loại cây trồng tùy theo nhu cầu của người sử dụng...
Máy nông nghiệp made in “Tư Sáng”
Ngày 23/4, tôi tìm đến nhà lúc ông Tư Sáng đang chăm chú thao tác bên một chiếc máy. Ông giới thiệu: “Đây là máy cào lúa chuyển hướng có remote điều khiển. Tui đang tranh thủ lắp ráp hoàn chỉnh để tham gia trưng bày tại Hội chợ “Bông lúa vàng – Sóc Trăng Expo khai mạc ngày 27 tháng 4 tới đây”. Chặng đường trên 4 năm - kể từ ngày ra đời chiếc máy xúc lúa vô bao đầu tiên – tới nay, ông Tư Sáng đã sáng chế thành công thêm nhiều loại máy khác.
Tính tới thời điểm hiện nay, các loại máy nông nghiệp do ông Tư Sáng sáng chế, sản xuất đã tiêu thụ được khoảng 60 chiếc các loại tại nhiều địa phương, hầu hết là các tỉnh khu vực ĐBSCL. Máy nông nghiệp do ông Tư Sáng sản xuất giá cả khá phù hợp với túi tiền của bà con nông dân: Hầu hết đều dưới 10 triệu đồng/chiếc, giá cao nhất (18 triệu đồng/chiếc) là máy xúc lúa đổ đống trên sân.
Nhớ lại chặn đường tuy chưa dài, nhưng không ít gian nan, ông Tư Sáng kể: Khi có ý tưởng sáng chế chiếc máy xúc lúa vô bao đầu tiên, ông đã lặn lội đi nhiều địa phương, từ các huyện thuộc tỉnh Hậu Giang qua Kiên Giang, Đồng Tháp... để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của các loại máy gặt đập liên hợp, máy suốt lúa. Thành công của ông Tư Sáng, ngoài nỗ lực của bản thân, còn nhờ ông chịu khó học hỏi, biết vận dụng, rút tỉa kinh nghiệm của nhiều người...
Trước khi vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2010), nông dân Nguyễn Văn Sáng đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng khác: Bằng khen nông dân sáng tạo của Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT... Ông Tư Sáng cũng là đại diện duy nhất của nông dân tỉnh Hậu Giang trong số 9 thành viên của đoàn Hậu Giang tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XIII diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm 2010.
Nói về chuyện “nghề tay trái” của mình, ông Tư Sáng tâm sự: “Tui chỉ học hết lớp nhứt (lớp 5 hiện nay), trình độ chẳng là bao, chừng ấy máy làm ra lâu nay xuất phát từ niềm đam mê, nhưng cũng chỉ là chút công sức góp phần vào việc giúp cho người nông dân xứ mình đỡ vất vả...”./. |