Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tham quan nhà máy điện gió ở Bạc Liêu năm 2013.
Tính đến nay, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 nhà đầu tư thực hiện các dự án điện gió trên địa bàn với tổng công suất khoảng 600 MW gồm: Công ty TRASESCO với dự án điện gió ở phường Vĩnh Phước và xã Vĩnh Tân (thị xã Vĩnh Châu); Công ty Cổ phần đầu tư Liên Nghĩa với dự án điện gió Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề); Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý với dự án điện gió xã Lai Hòa (Vĩnh Châu); Công ty TNHH sản xuất, xây dựng và thương mại Quốc Vinh (dự án điện gió tại xã Vĩnh Hải, Vĩnh Châu), Công ty IMPSA (dự án điện gió tại xã Lạc Hòa, Vĩnh Châu), Công ty Âu - Mỹ với dự án điện gió tại xã Vĩnh Hải, Vĩnh Châu.
Đặc biệt, mới đây Sóc Trăng đã chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty cổ phần tập đoàn Phú Cường đầu tư dự án nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Cường cho biết tập đoàn này sẽ đầu tư trang trại điện gió đầu tiên tại bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có công suất giai đoạn 1 là 30 MW với 15 turbine được xây dựng, mức đầu tư 75 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư sẽ từ vốn của Tập đoàn Phú Cường và vay của các ngân hàng trong, ngoài nước.
Kết quả khảo sát thực địa của tập đoàn này cho thấy, khu vực này là một trong những địa điểm có điều kiện phát triển điện gió tốt nhất cả nước với quy mô tiềm năng lên đến 800 MW, sức gió ổn định quanh năm, dự tính tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD.
Theo lộ trình của chủ đầu tư, giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 170 MW, tổng mức đầu tư là 436 triệu USD. Nhà máy này có vòng đời hơn 20 năm, dự kiến được khởi công vào đầu năm 2016 và vận hành giai đoạn 1 vào đầu năm 2017, mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 485 GWh điện cho miền Nam (chủ yếu là khu vực đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL). Hiện dự án đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Sóc Trăng chấp thuận chủ trương đầu tư, đang thương thảo giá bán điện với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực – EVN. Theo tiết lộ của ông Cường, giá bán sẽ vào khoảng 9,8 cent/ kWh, tương đương nhà máy điện gió của Công ty Công Lý ở Bạc Liêu, hoàn vốn đầu tư trong khoảng 10 năm. Dự án này cũng nhận được tài trợ của nhiều tổ chức quốc tế như USAID, USTDA...
Ông Phạm Trọng Thực – Vụ trưởng Vụ năng lượng mới và năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương đánh giá, việc đầu tư vào lĩnh vực điện gió là phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và chống biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng khu vực ĐBSCL và tỉnh Sóc Trăng.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Tập đoàn Phú Cường và Tập đoàn Năng lượng gió Vestas - Đan Mạch cũng đã ký kết bản ghi nhớ cho việc xây dựng dự án trại sản xuất điện gió này. Cụ thể, Vestas cam kết sẽ tham gia và hỗ trợ vay vốn, xây dựng hạ tầng, thiết bị trong suốt quá trình triển khai, từ lập dự án đến khi đi vào hoạt động cho dự án điện gió của Tập đoàn Phú Cường. |