Tự nhiên
[ Đăng ngày (26/07/2014) ]
|
Sử dụng Glutaraldehyde để cải thiện cơ tính và giảm độ hút nước của Polymer phân hủy sinh học từ Poly Vinyl Alcohol và tinh bột sắn
|
|
Các loại vật liệu polymer đã được sử dụng rộng rãi từ rất lâu và ngày càng được ưa chuộng hơn. Điều này là nguyên nhân gây nên tình trạng báo động về ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên do vật liệu loại này chủ yếu được tạo ra từ các sản phẩm của dầu mỏ và việc sử dụng sinh ra rất nhiều rác thải khó phân hủy.
|
Ảnh minh họa
Trước tình hình đó, các nhà khoa học đã, đang và không ngừng nghiên cứu để tìm ra các vật liệu polymer mới, có khả năng phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường mà không làm chậm tiến độ phát triển của khoa học và kỹ thuật.
Các nhà khoa học thuộc Bộ môn Công nghệ Hóa học, Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ đã tập trung khảo sát tỷ lệ chất khâu mạng và chất hóa dẻo cho hỗn hợp polyme tạo thành từ PVA và TB được tổng hợp lần đầu tiên bằng phương pháp trộn nóng chảy. Các kết quả khảo sát được đánh giá dựa trên kết quả đo cơ tính kéo, tính hút nước, tính phân hủy sinh học và cấu trúc bề mặt của polymer phân hủy sinh học.
Nghiên cứu này đã tổng hợp thành công polymer phân hủy sinh học trên cơ sở PVA và tinh bột sắn. Từ kết quả ban đầu cho thấy, loại polymer mới này có khả năng cải thiện đáng kể những khuyết điểm của các polymer phân hủy sinh học đã được nghiên cứu trước đây. Tính hút nước của hỗn hợp PVA/TB được giải quyết bằng phương pháp khâu mạng với dung dịch 25% Glu, hỗn hợp sau khi được khâu mạng thì tính hút nước giảm đi rõ rệt, đồng thời cơ tính cũng được tăng lên đáng kể nhưng vẫn giữ được khả năng phân hủy sinh học mặc dù phân hủy chậm hơn hỗn hợp không khâu mạng. Bên cạnh đó, quan sát hình thái bề mặt hỗn hợp khâu mạng bằng ảnh SEM không thấy có hiện tượng phân chia pha, chứng tỏ Glu không ảnh hưởng đến khả năng tương hợp của PVA và tinh bột. Các yếu tố ảnh hưởng đến tính chất vật liệu này sẽ được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. |
ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 30c (2014) |