Hình ảnh buổi nghiệm thu (Ảnh: Thuý Hằng)
Tin địa phương
Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu tình hình dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn thành phố Cần Thơ”
Sáng ngày 25/12/2013, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội đồng Khoa học nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu tình hình dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn thành phố Cần Thơ” do Bs.CKII. Nguyễn Trung Nghĩa – Trung tâm Y tế Dự phòng làm chủ nhiệm. Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ là cơ quan chủ trì.
Qua thời gian thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân là 14,7%, trong đó SDD nhẹ cân độ I là 12,3%, độ 2 là 1,9% và độ 3 là 0,5%.... Các yếu tố chính có liên quan đến tỷ lệ SDD nhẹ cân bao gồm: tuổi của trẻ, trình độ học vấn của cha mẹ, thu nhập hộ gia đình, ; tình trạng sở hữu nhà vệ sinh và chỉ số khối lượng cơ thể của bà mẹ. Các yếu tố chính có liên quan đến nhà vệ sinh và chỉ số khối lượng cơ thể của bà mẹ... Qua đó, nhóm tác giả đề xuất những giải pháp can thiệp đối với kiến thức, kỹ năng thực hành dinh dưỡng và vận động hợp lý ở trẻ cho bà mẹ. (Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ)
Nghiệm thu đề tài: “Ứng dụng phương pháp thắt vòng cao su qua nội soi trong điều trị xuất huyết tiêu hóa cấp và dự phòng thứ phát ở bệnh nhân vỡ giãn tĩnh mạch thực quản do xơ gan”
Sáng ngày 24/12/2013, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài “Ứng dụng phương pháp thắt vòng cao su qua nội soi trong điều trị xuất huyết tiêu hóa cấp và dự phòng thứ phát ở bệnh nhân vỡ giãn tĩnh mạch thực quản do xơ gan” do BS CKII. Bồ Kim Phương -Bệnh viện Đa khoa Trung Uơng Cần Thơ làm chủ nhiệm.
Đề tài được thực hiện từ tháng 4/2011 đến tháng 11/2013 tại Bệnh Viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ với mục tiêu nhằm đánh giá hiệu quả của thắt vòng cao su trong xuất huyết tiêu hóa cấp trong dự phòng xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản.
Ứng dụng phương pháp cột thắt tĩnh mạch thực quản trong điều trị xuất huyết tiêu hóa cấp và dự phòng thứ phát ở những bệnh nhân vỡ giãn tĩnh mạch thực quản do xơ gan có tỷ lệ thành công cao, tai biến do cột thắt rất ít và không đáng kể. (Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ)
Tin trong nước
10 cá nhân nhận giải thưởng Quả cầu Vàng 2013
Tối 23/12, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh 10 cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kỷ niệm 10 năm giải thưởng Quả cầu Vàng.
10 người nhận giải thưởng gồm Lê Yên Thanh, sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM); bác sĩ Huỳnh Văn Bình, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức (Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM); thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội); thạc sĩ Trần Đại Nghĩa, Công ty CP Supe Phốt phát Lâm Thao; TS Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (ĐH Bách khoa Hà Nội); TS Phan Xuân Hiếu, giảng viên ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội); TS Lê Văn Cảnh, Phó bộ môn Kỹ thuật xây dựng (ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP HCM); kỹ sư Võ Khánh Hưng, giảng viên Bộ môn Công nghệ Sinh học (ĐH Nông Lâm TP HCM); thạc sĩ Đàm Thị Lan, giảng viên Bộ môn Năng lượng và Môi trường, Viện Khoa học Kỹ thuật Môi trường (ĐH Xây dựng Hà Nội); thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lê Việt Hùng, giảng viên Bộ môn Nhi khoa Đông y (ĐH Y Dược TP HCM).
Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên mang tên Quả cầu Vàng diễn ra lần đầu tiên năm 2003, do Trung ương Đoàn TNCS HCM và Bộ KH&CN tổ chức. Qua 10 năm, giải thưởng đã trở thành sân chơi của các các nhà khoa học trẻ và thế hệ thanh thiếu niên tài năng, đam mê khoa học công nghệ. (Theo vnexpress.net, ngày 24/12)
Công bố mười sự kiện KH-CN nổi bật 2013
Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học - Công nghệ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Bộ KH-CN, chiều 26-12, đã công bố kết quả cuộc bình chọn những sự kiện KHCN nổi bật 2013.
10 sự kiện được bình chọn thuộc các lĩnh vực: cơ chế chính sách; khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng; hội nhập quốc tế về KH-CN; tôn vinh nhà khoa học; khoa học xã hội và nhân văn.
10 sự kiện KH-CN tiêu biểu vừa được 60 nhà báo bình chọn như sau: Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Việt Nam chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ và phóng thành công vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên; Việt Nam giải mã thành công hệ gene của 36 giống lúa bản địa; Tập đoàn Viettel làm chủ công nghệ cao, góp phần hiện đại hóa quân đội; “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9; Hoàn tất việc đưa 16kg uranium rời khỏi Việt Nam an toàn; Kí hiệp định và bản ghi nhớ về năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình giữa Việt Nam – Hoa Kỳ; World Bank cho vay ưu đãi 100 triệu USD cho dự án FIRST; Nhà khoa học Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí số 1 thế giới – Nature; Khánh thành bảo tàng Đông Nam Á đầu tiên trong khu vực. (Theo nhandan.com.vn, ngày 26/12)
Đề xuất lập công viên khoa học công nghệ
Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM vừa trình lãnh đạo UBND TP đề xuất thông qua đề án thành lập công viên khoa học công nghệ TP.HCM. Địa điểm được đề xuất cho đề án này là khu đất có diện tích 197ha ở P.Long Phước, Q.9, có sông rạch bao quanh.
Mục tiêu chiến lược của đề án là tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học công nghệ cao, phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của TP và cả nước. Nơi đây được xác định là trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ đa chuyên ngành, là nhân tố mới, đi đầu về thúc đẩy năng lực khoa học và công nghệ nội sinh, liên kết hoạt động nghiên cứu triển khai với các đại học trong khu vực, phát triển hoàn chỉnh trong tổng thể khu đô thị khoa học và công nghệ đông bắc TP. (Theo tuoitre.vn, ngày 22/12)
Tổ chức hoạt động thanh tra Khoa học và Công nghệ
Ngày 20/12, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 213/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Khoa học và Công nghệ.
Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Khoa học và Công nghệ; thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Khoa học và Công nghệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Khoa học và Công nghệ....
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2014, thay thế Nghị định số 87/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra khoa học và công nghệ. (Theo vietnamplus.vn, ngày 25/12)
Nông dân trẻ chế tạo máy phun thuốc trừ sâu từ xa
Sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, sau khi lập gia đình, anh Trần Thanh Tuấn, ở ấp Trung Nhì, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, An Giang, lại tiếp tục nối nghiệp gia đình canh tác 1ha đất lúa. Nhận thấy sự vất vả của người nông dân và sự nguy hiểm đối với sức khỏe khi phun thuốc trừ sâu trên đồng ruộng, năm 2010, anh Tuấn bắt đầu nghiên cứu sáng chế máy phun thuốc sâu điều khiển từ xa bằng remote.
Máy phun thuốc sâu điều khiển từ xa do anh Tuấn chế tạo có ưu điểm gọn nhẹ, trọng lượng khoảng 130kg, di chuyển bằng bánh xích, bình chứa thuốc 120 lít, cần phun xa ở bán kính 10m. Khi máy di chuyển không đạp trên lúa, không bị lún trên đất bùn nhão, đặc biệt đạt công suất phun rất cao 10ha/ngày, tương đương với sáu lao động phun xịt thủ công, phù hợp với những cánh đồng lớn.
Ngoài điều khiển phun thuốc từ xa, nông dân có thể ngồi trên máy để phun - ưu điểm này giúp cho người nông dân khi phun xịt sẽ không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu.
Tháng 11/2013, anh Tuấn đã tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) tại Vĩnh Long để giới thiệu sản phẩm. Trong dịp này, anh đã nhận được hợp đồng cung cấp hai máy cho nước bạn Lào. (Theo vietnamplus.vn, ngày 22/12)
Hội thảo: Chính sách phát triển công nghệ thông qua hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ
Ngày 25.12.2013, tại Hà Nội, Văn phòng Hội đồng chính sách KH&CN Quốc gia phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Chính sách phát triển công nghệ thông qua hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ”. Tham dự Hội thảo có Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia Hoàng Văn Phong, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cùng đại diện các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ.
Hội thảo được tổ chức nhằm xác định các vấn đề trọng tâm cũng như đề xuất giải pháp, định hướng trong hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ trong một số lĩnh vực then chốt ở Việt Nam. Từ đó tạo sự liên kết, giúp các doanh nghiệp kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ thông qua hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ. (Theo TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM, ngày 26/12) |