Hoạt động [ Đăng ngày (19/12/2013) ]
Tìm tên cho hạt gạo Việt Nam
Trong các hội chợ lương thực quốc tế, trong khi các nước Thái Lan, Ấn Độ và cả Campuchia đều tự hào quảng cáo các thương hiệu gạo của họ thì Việt Nam... im lặng vì không có gì để khoe. Con đường tìm thương hiệu cho gạo Việt Nam quá truân chuyên vì nhiều bế tắc từ khâu sản xuất đến xuất khẩu.

Vô danh xứ người

Theo GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, sở dĩ gạo của Việt Nam tuy xuất khẩu nhiều nhưng vẫn chưa được đánh giá cao là do không có thương hiệu, trong khi gạo Thái Lan dù có nhiều thương hiệu gạo nổi tiếng nhưng khi xuất khẩu, Thái Lan chỉ dùng một giống gạo duy nhất là Jasmine, còn Ấn Độ có gạo Basmati...

Tại Hội chợ Thương mại Lương thực diễn ra vào tháng 5 vừa qua tại Bangkok, riêng Thái Lan đã có mười mấy thương hiệu gạo được giới thiệu, ngay cả Campuchia cũng có 8 thương hiệu, trong khi Việt Nam không có thương hiệu nào được đem đi quảng bá.

Cũng theo lý giải của giáo sư, một trong những nguyên nhân khiến gạo Việt Nam chưa có thương hiệu đặc trưng là do 90% DN xuất khẩu chỉ mua gạo từ thương lái chứ không có vùng nguyên liệu chủ động sản xuất, ngay cả Tổng công ty Lương thực là đơn vị đầu tàu, có quyền cấp phép xuất khẩu gạo cho các DN, cũng không có vùng nguyên liệu.

"Để có lời, các thương lái thường đi thu gom các giống lúa về trộn lại với nhau nên khi xuất khẩu không có một giống lúa nguyên chủng nào để đăng ký thương hiệu", GS. Xuân giải thích. Thực tế, khoảng 70% gạo xuất khẩu của Việt Nam là loại 25% tấm (loại phẩm cấp thấp, có giá thấp) và ngay cả loại gạo 5% tấm của Việt Nam cũng kém xa Thái Lan và Ấn Độ cả về chất lượng và giá cả.

Một yếu tố nữa khó khăn cho việc lựa chọn giống để trồng là các thương lái thường đánh đồng gạo cao cấp giá cao với gạo trung bình nên việc chuyên tâm tìm giống lúa tốt để trồng cũng không được nông dân chú trọng.

 

hạt gạo Việt nam

Không chỉ xuất khẩu, ngay tại thị trường trong nước, việc xây dựng thương hiệu cho gạo cũng khó khăn. Mặc dù trên thị trường hiện có hàng trăm loại gạo khác nhau nhưng giống hỗn tạp từ nguồn nguyên liệu sản xuất đến thu mua đóng gói.

Theo báo cáo khảo sát chương trình "Cùng nông dân ra đồng" của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang: "Việt Nam chưa có điều kiện để xây dựng thương hiệu lúa gạo trên thế giới, cũng như trong nước vì chưa có bộ giống lúa quốc gia tiêu chuẩn. Mặc dù có định hướng của Nhà nước nhưng nông dân thường tự quyết định loại giống sẽ trồng do lo ngại về vấn đề tiêu thụ”.

Bên cạnh đó, do nông dân canh tác trên đất nhỏ lẻ, quy mô sản xuất nhỏ nên chất lượng hạt lúa không đồng đều. Thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập, dẫn đến tỷ lệ thất thoát cao và không bảo đảm chất lượng. Nông dân phải tự lo máy gặt đập liên hợp (hiện nay đa số nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp khi thu hoạch), bốc xếp và phương tiện vận chuyển lúa.

Thực tế, một số nơi sản xuất không đảm bảo kỹ thuật canh tác, dẫn tới chất lượng không đảm bảo, bị pha tạp nên DN khó thu mua, xuất khẩu và người sản xuất phải chấp nhận bán với giá thấp. Trong khi đó, DN Việt Nam cũng không có khả năng dự trữ lúa gạo lâu dài, lại phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng nên phải bán nhanh, dẫn đến giá giảm...

Một khó khăn khác, theo đại diện của Công ty AG, là khi làm thương hiệu cho gạo, giá thành sẽ cao hơn nên khó cạnh tranh. Chẳng hạn, AG đang xây dựng thương hiệu cho gạo mầm (hạt đỏ) giống độc quyền của AG và chỉ trồng được ở vùng Bảy Núi - An Giang nên giá thành cao, gấp đôi gạo lứt, nên số lượng bán ra vẫn chưa nhiều.

Bắt đầu từ đâu?

Theo chuyên gia tư vấn thương hiệu Đoàn Đình Hoàng: "Muốn một sản phẩm có thương hiệu thì trước hết sản phẩm đó phải ổn định chất lượng và gắn với với một vùng nguyên liệu đủ lớn. Ví dụ gạo Hải Hậu được ưa chuộng và rất ngon nhưng do sản lượng ít nên không đủ cung cấp trên thị trường. Và trước nhu cầu người mua ngày một nhiều, các thương lái đã pha trộn các loại gạo khác nên làm mất uy tín thương hiệu".

 

gạo - lương thực chính

Vì vậy, nói như GS. Võ Tòng Xuân, muốn có thương hiệu cho gạo thì phải tạo ra một chuỗi giá trị, trong đó quan trọng nhất là DN xuất khẩu gạo phải làm chủ được nguồn nguyên liệu.

"Hiện nay, DN nào cũng có thể thu mua gạo về bỏ bao xuất khẩu sẽ dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, phá giá. Mà hạ giá thì chỉ có thể gian lận hoặc giảm chất lượng lúa", GS. Xuân bức xúc.

Theo ông, muốn làm được điều này thì phải tạo cho người nông dân yên tâm sản xuất để họ không phải chạy theo biến động của thị trường. Chẳng hạn, với một giống lúa tốt phải thu hoạch sau 4 tháng nhưng khi gặt lúa bán không được, nông dân lại chuyển sang giống lúa ngắn ngày hơn dù chất lượng gạo không cao.

Do vậy, phải có sự phối hợp tổng lực của nhiều đơn vị, tổ chức, trong đó ngân hàng phải làm đòn bẩy tín dụng để đồng tiền được đến trực tiếp tay người nông dân, không qua trung gian, bên cạnh đó phải xây dựng được tổng kho để bảo quản lúa thu hoạch và có đơn vị dự báo thị trường để định hướng sản xuất, đặc biệt thị trường đầu ra phải bền vững.

 

Rice export

Vietnam Milled Rice Export

Hiện nay, gần như Việt Nam chưa có thị trường nào xuất khẩu ổn định, năm nay xuất khẩu sang Philippines, sau lại Trung Quốc, Nhật..., và mỗi thị trường lại yêu cầu một loại gạo khác nhau nên rất khó sản xuất.

Chia sẻ thêm về cách làm thương hiệu, chuyên gia Đoàn Đình Hoàng cho rằng, lâu nay, Việt Nam xây dựng thương hiệu cho hạt gạo trên một "lộ trình ngược", nghĩa là nông dân tự quyết định trồng loại gì, giống gì, tiêu chuẩn dựa trên cảm tính từ nhu cầu bấp bênh của thị trường.

Vì vậy, nông dân không thể đơn độc xây dựng thương hiệu được, mà Chính phủ, cùng các bộ, ngành, địa phương và nông dân cần hiệp lực, phải có Hiệp hội đứng ra làm nhạc trưởng mới có cơ hội thành công.

Theo kinh nghiệm của Columbia, mỗi một DN xuất khẩu cà phê khi xuất khẩu sẽ phải trích lại một khoản tiền tương ứng số lượng xuất để làm truyền thông cho thương hiệu và số tiền này giao cho Hiệp hội thực hiện.

GS. Võ Tòng Xuân cũng chia sẻ: "Tôi rất thích cách làm của Nhật vì lúc nào người nông dân cũng trồng trọt theo đúng lịch thời vụ. Lý do là chính quyền đã nghiên cứu kỹ và hướng dẫn nông dân làm theo, nếu không thành công, nông dân có quyền kiện chính quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại".

 

Rice Import by Region


Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cũng tâm đắc cách xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan, nghĩa là chú trọng từ khâu giống, nông dân chỉ sử dụng giống xác nhận, không như Việt Nam, nông dân chỉ sử dụng lúa thu hoạch để làm giống cho vụ sau nên thường lẫn nhiều loại giống.

"Các DN xuất khẩu gạo Việt Nam cũng nên áp dụng các cách làm này để chọn lọc những thương hiệu gạo đặc trưng để có một chiến lược quảng bá, làm thương hiệu cho gạo Việt Nam?", ông Phong đặt vấn đề.

Đãi gạo tìm tên

Không ít DN đã tâm huyết làm ra nhiều thương hiệu gạo cao cấp như Ngọc Đồng (Gentraco), Hương Lúa (ITA Rice), Tứ Quý (Công ty ADC), Hoa Sữa (Viễn Phú), Bảo vệ Bảy Núi (Thực vật An Giang)... Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu này vẫn chưa tạo được dấu ấn và đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra.

Mày mò mô hình

Là đơn vị đi đầu trong mô hình liên kết với nông dân tạo ra vùng nguyên liệu trong mô hình "Cánh đồng mẫu lớn", ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang, cho biết: "Với mô hình này, chúng tôi đã đầu tư nhà máy thu mua, tồn trữ, chế biến, tiêu thụ lúa gạo có thương hiệu. Diện tích mỗi nhà máy trung bình từ 10 ha đến 15 ha.

Song song đó, công ty ký hợp đồng với nông dân, liên kết các cánh đồng, tạo quy hoạch sản xuất lớn. Người nông dân được ứng trước đầu vào gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi 120 ngày và hướng dẫn kỹ thuật. Bên cạnh đó, nông dân không phải lo sân phơi, kho bãi lại được công ty chịu chi phí vận chuyển về nhà máy và sấy lúa miễn phí, cho gửi kho miễn phí 30 ngày, nông dân chủ động giá và thời điểm bán lúa".

 

Rice Import by Region

Song, bài toán của Bảo vệ Thực vật An Giang không dừng ở đó mà sâu xa hơn, muốn đóng vai trò lớn trên thị trường xuất khẩu gạo và tiêu thụ trong nước. Tạo vùng nguyên liệu sản xuất lớn thông qua liên kết để nâng cao năng suất, kiểm soát chất lượng và truy suất được nguồn gốc gạo, yếu tố quan trọng để xuất khẩu sang thị trường có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm.

"Việc truy suất được nguồn gốc lúa chính là cơ sở làm tăng giá trị của lúa và là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam", ông Thòn khẳng định.

Cùng tâm huyết xây dựng thương hiệu cho gạo, ông Huỳnh Cẩm, Chủ tịch Công ty Thép Cẩm Nguyên, cũng đã thành lập thêm Công ty Lúa gạo Cẩm Nguyên, có hệ thống nhà máy sấy và xay xát gạo hiện đại, hệ thống kho quy mô trên 6 ha để xuất khẩu và xây dựng thương hiệu gạo Kim Trường Xuân.

Ông Huỳnh Cẩm chia sẻ: "Tâm huyết của tôi là cùng với nông dân làm cho lúa gạo Việt Nam nói chung và của Cẩm Nguyên nói riêng có một thương hiệu uy tín và chất lượng. Vì vậy, chúng tôi xây nhà máy để sản xuất, chứ không đi thu mua. Cách làm nông nghiệp của Cẩm Nguyên là đem khoa học và và công nghiệp đến với người nông dân".

Và để làm được điều đó, Cẩm Nguyên cũng đang thực hiện "Chương trình hỗ trợ nông dân trữ lúa chờ giá”, giúp nông dân có chỗ phơi sấy (giúp giảm hao hụt, thất thoát, đảm bảo chất lượng), có kho chứa (hệ thống kho của Cẩm Nguyên có khả năng chứa trên 100.000 tấn, có tạm ứng tiền và không bị ép giá (do khi nào được giá mới bán). Bên cạnh đó, nông dân còn được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật từ lúc trồng lúa đến thu hoạch.

Trước Cẩm Nguyên, Công ty ADC cũng đã xây dựng thương hiệu gạo Tứ Quý tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cách làm của ADC là phối hợp với HTX Mỹ Thành, trực tiếp hướng dẫn cho nông dân làm Global GAP cho lúa và ADC đã mua giá cao hơn thị trường 10 - 15% cho thương hiệu gạo Tứ Quý.

Tương tự, với lợi thế được Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long cung cấp 100% giống thuần chủng chất lượng cao, Công ty Minh Cát Tấn đã xây dựng được thương hiệu gạo Kim Kê khá đồng bộ về chất lượng, và công ty này cũng đang quy hoạch nông trường gần 50 ha để tiếp tục mở rộng việc trồng lúa, huấn luyện nông dân trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP.

Năm nhà dựng một cái tên

Để có được những sản phẩm đạt chuẩn, nhà sản xuất phải hợp tác với nông dân, phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về quản lý chất lượng, có nghĩa phải đầu tư rất lớn để cho ra sản phẩm chất lượng.

Thế nhưng, rủi ro đối với các DN này cũng rất lớn, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Khi đầu tư lớn cho nông nghiệp, các công ty đều phải tính đường dài, lúc nào giá đầu ra cho nông dân cũng phải ổn định. Trong khi đó, chỉ cần thương lái trả giá cao hơn vài trăm đồng/kg lúa là xem như họ đã tước đoạt toàn bộ công sức đầu tư của các nhà sản xuất. Số gạo này được họ bán tại thị trường nội địa với giá rẻ hơn do không phải đầu tư, không phải gánh thuế, không cần làm thương hiệu".

Theo GS. Võ Tòng Xuân: "Đầu ra là vấn đề sống còn của một công ty làm chuỗi giá trị. Song, hầu hết các DN khi xây dựng được thương hiệu gạo tốt, muốn xuất khẩu đều bị... tắc vì phải chịu sự khống chế của Tổng công ty Lương thực và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Thực tế này đã bóp chết nhiều DN muốn xây dựng thương hiệu gạo. Đơn cử, gạo Tứ Quý của ADC cho đến nay vẫn không làm thương hiệu lớn hơn được chỉ vì tắc khâu xuất khẩu, chỉ bán trong thị trường nội địa".

Ông Đoàn Đình Hoàng cũng cho biết, mặc dù mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" đang được đánh giá hiệu quả, nhưng tại Đồng Tháp, đã có một DN áp dụng mô hình này bị thất bại cũng do không xuất khẩu được.

Ông Huỳnh Văn Thòn cũng chia sẻ: "Nếu xây dựng được thương hiệu cho gạo, giá bán sẽ cao hơn 20%, nhưng để thành công trong chuỗi giá trị thì DN phải có được thị trường. Song, do bị khống chế của Tổng công ty Lương thực và Hiệp hội Lương thực Việt Nam nên hàng tồn kho của An Giang năm 2012 tăng gấp đôi, ước tính lên hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2011".

Để tìm hướng đi cho phân khúc chất lượng cao với thương hiệu Hạt ngọc trời, Bảo vệ Thực vật An Giang đã phải chủ động ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp cho thị trường Mỹ, Úc và New Zealand...

Bên cạnh đó, quảng bá cho gạo hiện nay cũng chưa được các DN chú trọng. Dù là người đưa ra mô hình liên kết 4 nhà, nhưng chính GS. Võ Tòng Xuân lại nhận ra "cần phải có 5 nhà”, đó là thêm nhà "truyền thông". Bởi vì, đã xác định mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo đưa ra thị trường thì phải tăng cường công tác quảng bá.

Hiện nay, cũng có một số thương hiệu gạo hợp tác mở nhà hàng để làm quảng cáo như nhà hàng Gạo quảng bá cho gạo mầm, gạo tím..., nhà hàng cơm tấm Kim Kê được phát triển cùng dự án chuỗi nông trường Kim Kê (xây dựng vùng gạo ngon ở các tỉnh miền Tây) nhằm quảng bá và xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam...

Tuy nhiên, hiệu quả và mức độ quảng bá vẫn mang tính nhỏ lẻ, cá nhân nên hiệu ứng không nhiều. Đặc biệt, sản lượng của các thương hiệu gạo này vẫn còn rất thấp nên không đáp ứng được thị trường, thậm chí có thương hiệu chất lượng chưa đồng đều, chẳng hạn gạo Kim Kê từng được một số DN nước ngoài mua về bán nhưng do chất lượng hạt gạo không đồng nhất nên hợp tác bất thành.

Lữ Ý Nhi
Theo http://www.dunghangviet.vn (ntbtra)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->