Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về biển, đảo
Ngày 18/10, tại thành phố Nha Trang đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn giữa tỉnh Khánh Hòa và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2013-1018.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa nhất trí đánh giá: Khánh Hòa là một trong những địa phương của cả nước có tiềm năng rất lớn về tài nguyên biển, đảo. Do đó, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam sẽ giúp Khánh Hòa trong việc nghiên cứu, điều tra, đánh giá và xây dựng một số đề án cụ thể hóa quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo hướng bền vững, phù hợp với đặc thù, thế mạnh về biển, đảo của địa phương; phối hợp triển khai một số đề án điều tra, đánh giá, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của địa phương để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa trong giai đoạn 2013-2018. (Theo vietnamplus.vn, ngày 18/10)
Nâng tầm quan trọng của ngành cơ học chất lỏng VN
Ngày 15/10, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Cơ học chất lỏng châu Á lần thứ 14 (ACFM 14) do Viện Cơ học-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp Hội Cơ học chất lỏng Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Hội Cơ học Việt Nam.
Đại hội là dịp thúc đẩy hợp tác rộng rãi và trao đổi những ý tưởng mới từ các chuyên gia trong nước và quốc tế để củng cố những tiến bộ gần đây của ngành cơ học chất lỏng và các ngành công nghiệp liên quan.
Đại hội Cơ học chất lỏng châu Á lần thứ 14 đã thu hút hơn 200 báo cáo của các nhà khoa học đến từ 20 quốc gia trên thế giới với các đề tài nghiên cứu chuyên ngành.
Đại hội diễn ra từ ngày 15 đến 19/10 tại Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh). (Theo vietnamplus.vn, ngày 15/10)
Khởi động Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon
Chiều 18/10 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ khởi động Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam.

Mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế
cần được thương mại hóa. (Ảnh minh họa. Nguồn: most.gov.vn)
Mục tiêu của Đề án là tạo môi trường để thu hút chất xám thông qua xây dựng chương trình thúc đẩy khởi nghiệp (BA). Hệ thống này bao gồm các doanh nhân thành đạt, các nhà đầu tư mạo hiểm thành công, các luật sư, các chuyên gia công nghệ,… đến từ Silicon Valley (Mỹ).
Với việc mô hình Thung lũng Silicon được đề xuất xây dựng tại Việt Nam, nhà khoa học không chỉ là những người nghiên cứu mà còn là những doanh nhân, kinh doanh trên chính sản phẩm nghiên cứu của mình, có thể tự quản lý hoặc phát triển công trình nghiên cứu đó một cách độc lập. Mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực công nghệ ngay từ khi còn là ý tưởng. Các start up thành công sẽ tạo ra một chuỗi phản ứng đổi mới và thay đổi nền kinh tế, từ các sản phẩm với giá trị thấp, tiêu tốn nhiều nhân công thành các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị cao. (Theo dangcongsan.vn, ngày 18/10)
Cần tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ địa phương
Đó là một trong số nhiều kiến nghị được đưa ra tại hội nghị giao ban khoa học công nghệ vùng Đông Nam bộ lần thứ 12 giữa Bộ Khoa học - công nghệ (KH-CN) và các sở KH-CN, diễn ra ngày 11-10 tại thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Tại hội nghị, các sở KH-CN cũng đề xuất với UBND các tỉnh, TP, Bộ KH-CN và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các khó khăn về cơ chế phát triển nguồn nhân lực, cơ chế tài chính như sửa đổi thông tư hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể việc xây dựng kế hoạch, phân bổ và sử dụng vốn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ tại địa phương; xây dựng cơ chế quản lý khoa học, cơ chế tài chính phù hợp, đặc biệt là cơ chế khoán kinh phí cho các đề tài, dự án...(Theo tuoitre.vn, ngày 12/10)
Trao giải thưởng Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc 2013
Tối 13.10 tại Hà Nội, Quỹ hỗ trợ sáng tạo Việt Nam (Vifotec) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN đã trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ 9 (2012-2013).
Sau gần một năm phát động, từ 452 đề tài dự thi ở 5 lĩnh vực: phần mềm tin học, đồ chơi và đồ dùng gia đình; học tập; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; thân thiện môi trường, Ban giám khảo đã xét duyệt và trao giải chính thức cho 106 đề tài.
Giải đặc biệt thuộc về Đặng Đình Nam và Nguyễn Duy Huynh, lớp cơ điện tử 17.01, Khoa Cơ - Điện tử (ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) với đề tài “Mô hình xe nâng hàng chuyên dụng trong phân xưởng”. (Theo thanhnien.com.vn, ngày 14/10) |