Smartoshin trình diễn tại triển lãm
FPT lần đầu mang robot dự Hội nghị quốc tế
Tập đoàn FPT lần đầu tiên giới thiệu robot điện toán đám mây Smartoshin trong một sự kiện có quy mô lớn trên thế giới.
Robot Smartoshin có chiều cao khoảng 58 cm, nặng 4,3 kg. Cấu tạo của Smartoshin gồm mắt, tai, miệng đều là cảm biến, trong đó đôi mắt có khả năng nhận diện được người trong vòng một giây. Không chỉ nhận diện, robot này còn có thể nhận ra được hành vi của con người, từ đó có thể ứng dụng trong kinh doanh. (Theo vnexpress.net, ngày 28/9)
VN kỳ vọng vào 3 dự án kinh tế sinh học với Hà Lan
Thông tin trên được Giáo sư Nguyễn Đình Công đưa ra tại Hội thảo Quốc tế Khởi động thực hiện chương trình VN-Basic-Hợp tác đổi mới khoa học hướng tới phát triển kinh tế dựa trên nền tảng sinh học, ngày 3/10.

Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và nuôi trồng nấm ăn. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vũ Sinh/TTXVN)
Hội thảo này cũng là một trong những hoạt động rất đáng chú ý giữa VAST và Tổ hợp Be-Basic của Hà Lan nhằm đưa các tiến bộ khoa học vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong giai đoạn 2012-2013, các dự án, đề xuất đã được trình lên hội đồng quản trị của BE Basic và hai trong số đó đã được chấp thuận để tài trợ (gồm: Giám sát, xử lý sinh học và đánh giá chất lượng đất trồng, mùa vụ và chất thải nông nghiệp tại Việt Nam; Chất trợ sinh mới, gen và các hợp chất sinh học trong môi trường tự nhiên Việt Nam) và một dự án đang chờ phê duyệt (Tiền xử lý, sản xuất sinh phẩm và thí điểm). Tổng kinh phí được tài trợ từ phía BE-Basic cho ba dự án nói trên vào khoảng 3,05 triệu euro và phía Việt Nam cũng sẽ có một khoản tài trợ tương đương. (Theo vietnamplus.vn, ngày 3/10)
VN-Italy thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 2/10, phiên họp Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Khoa học và Công nghệ và Lễ ký “Chương trình Hợp tác lần thứ 5 về Khoa học và Công nghệ” giữa Việt Nam và Italy đã được tổ chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao Italy.

Quang cảnh Lễ ký “Chương trình Hợp tác lần thứ 5 về Khoa học và Công nghệ.” (Nguồn: baotintuc.vn)
Theo đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Hoàng Long, trong thời gian qua, quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ song phương đã có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, trong thời gian tới, quan hệ hợp tác song phương về khoa học và công nghệ cần được thúc đẩy để đi vào chiều sâu với nhiều kết quả cụ thể hơn, nhất là khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác chiến lược” sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Italy của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng Một năm nay. (Theo vietnamplus.vn, ngày 3/10)
Robot 6 bậc của Việt Nam
Viện Cơ học thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam vừa chế tạo thành công “Tay máy 6 bậc tự do” - eRobot, phục vụ đào tạo và định hướng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và đời sống.

Tay máy eRobot đang sử dụng que hàn
“Tay máy 6 bậc tự do” - eRobot là một bộ phận “chấp hành” quan trọng đáp ứng được yêu cầu cao về độ tin cậy, độ chính xác, khả năng phối hợp, khả năng tự ứng xử thông minh, đa ứng dụng, đặc biệt là khả năng đáp ứng được thời gian thực. Với bậc tự do ≥ 6 (lớn hơn hoặc bằng 6), eRobot có thể chuyển động đa hướng với các “khớp” xoay trở linh hoạt, chính xác, đạt mức khéo léo, được các nhà công nghệ trong nước đánh giá cao.
Qua nhiều thực nghiệm, eRobot đã khẳng định tính linh hoạt trong vận hành, động tác tinh vi, nhanh và chuẩn xác. Nhờ vậy bên cạnh ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp, đào tạo, eRobot còn mở rộng tính năng kết nối từ xa và còn có tác dụng lớn khi phát triển các robot trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng phi tuyền thống như: Tìm kiếm cứu nạn, trinh sát nơi khắc nghiệt như ô nhiễm hóa chất, phóng xạ, cấp cứu thảm họa, rà phá bom mìn. (Theo www.chinhphu.vn, ngày 1/10)
Chương trình 712 - Điểm tựa cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế
Trên 500 đại biểu tham dự “Hội nghị Quốc gia về thúc đẩy hoạt động năng suất, chất lượng và sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình 712” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng, Chương trình 712 đã có xu hướng lan tỏa mạnh mẽ. Ảnh: N. Nam
Chương trình 712 hay còn gọi là Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 21/5/2010. Sau 3 năm triển khai, chương trình này đã có những kết quả thiết thực.
“Bộ KH&CN được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện, điều hành hoạt động của Chương trình. Bộ KH&CN cũng thực hiện 2 dự án chính được phân công là Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” và dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng”. Đồng hành cùng 2 dự án trên là các dự án thuộc các bộ, ngành và nhơn 35 dự án năng suất, chất lượng địa phương đã được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt cho thấy hoạt động năng suất và chất lượng đã có xu hướng lan tỏa và ảnh hưởng tới nhiều hoạt động và đời sống kinh tế xã hội trong cả nước”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết.
Chương trình 712 với 9 dự án được triển khai tại 6 bộ, ngành và 63 thành phố đặt mục tiêu tăng thêm sức mạnh cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Bộ KH&CN, các cơ quan bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong sự nghiệp nâng chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam lên tầm cao hơn. (Theo vietq.vn, ngày 3/10)
Hệ thống kiểm soát từ xa lượng nước tưới
Các nhà khoa học thuộc trung tâm Công nghệ phần mềm thuỷ lợi, viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống kiểm soát từ xa lượng nước trên kênh tưới.

Hệ thống có các cụm thiết bị cửa van (SGate) lắp đặt tại đầu các kênh phân phối nước và các cống điều tiết trên kênh... Điểm nổi bật của hệ thống này là thiết bị SGate sử dụng năng lượng mặt trời, có camera giám sát và cảnh báo khi có người đến gần. Thiết bị tự động truyền số liệu mực nước, độ mở cửa van, nhiệt độ về cơ sở dữ liệu máy chủ trung tâm qua mạng điện thoại thông qua dịch vụ GPRS hoặc qua sóng vô tuyến và nhận lệnh điều khiển đóng mở cửa van từ trung tâm điều hành. (Theo sgtt.vn, ngày 02/10).
|