Tin địa phương
Hội thảo Khoa học “Thương mại Cần Thơ liên kết - phát triển”
Sáng ngày 27/8/2013, tại hội trường UBND TP. Cần Thơ diễn ra hội thảo khoa học chủ đề “ Thương Mại Cần Thơ Liên kết – Phát triển”.
Các tham luận “ Thương mại Cần Thơ liên kết – Phát triển”, “ Xây dựng Thành phố Cần Thơ thành trung tâm thị trường thương mại – động lực liên kết và thu hút đầu tư”, hay “ Thành phố Cần Thơ trung tâm liên kết vùng đồng bằng Sông Cửu long xúc tiến xuất khẩu, tìm kiếm thị trường”… góp phần thông tin rõ hơn về tiềm năng phát triển, hạn chế còn tồn đọng, cũng như đề xuất giải pháp trong tái cơ cấu đối với các ngành hàng chủ lực Gạo và Thủy sản… Một số vấn đề về thu hút đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, xây dựng cơ chế mở, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng Cảng biển, dịch vụ vận chuyển… cũng được các đại biểu quan tâm, đề xuất tại hội thảo. Một số doanh nghiệp như Sài Gòn Co.op, Big C, hợp tác xã rau an toàn Hòa Phát cũng bày tỏ quan điểm thống nhất với chủ trương liên kết- phát triển, trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh của thành phố. (Theo canthotv.vn, ngày 28/8)
Tin trong nước
Việt Nam lần đầu giải mã hoàn chỉnh hệ gen cây lúa
Ngày 28/8 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu giải mã gen một số giống lúa bản địa của Việt Nam với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp.

(Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN)
“Giải mã genome một số giống lúa bản địa của Việt Nam” là Dự án trong khuôn khổ Chương trình hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Sự sống và Công nghệ sinh học của Vương quốc Anh.
Việc giải mã hoàn chỉnh hệ gen của cây lúa đã mở ra hướng nghiên cứu mới về genome học và ứng dụng tin sinh học để khai thác trình tự genome giúp các viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà chọn giống sử dụng trong các nghiên cứu về bảo tổn nguồn gen, xác định chức năng gen cũng như chọn tạo giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu các loại sâu bệnh và điều kiện bất lợi sinh học và phi sinh học. (Theo vietnamplus.vn, ngày 28/8)
Việt Nam phát triển nhân lực năng lượng nguyên tử
Ngày 27/8 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” nhằm học tập, chia sẻ kinh nghiệm của IAEA và các nước có thế mạnh trong lĩnh vực điện hạt nhân góp phần tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này ở Việt Nam.

Theo dõi lò với hệ điều khiển mới tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh minh họa: Quang Nhựt/TTXVN)
Trong ba ngày diễn ra hội thảo (từ ngày 27-29/8), các chuyên gia quốc tế và chuyên gia Việt Nam tập trung trao đổi, thảo luận về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân và lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đào tạo cán bộ quản lý, hoạch định chính sách và pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. (Theo vietnamplus.vn, ngày 27/8)
Lập giải thưởng mới dành cho khoa học tự nhiên
Nhằm khích lệ và tôn vinh nhà khoa học có những thành tựu nổi bật và đóng góp trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ vừa ban hành quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Theo thông báo trên website của Bộ, giải thưởng sẽ tổ chức định kỳ hàng năm để trao tặng cho các nhà khoa học Việt Nam là tác giả của công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Giải thưởng cũng sẽ trao tặng cho các nhà khoa học trong và ngoài nước có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam thuộc các lĩnh vực là toán học, khoa học máy tính và thông tin; vật lý; hóa học; khoa học trái đất và môi trường; sinh học và khoa học tự nhiên khác. (Theo vnexpress.net, ngày 29/8)
Mở cửa phòng thí nghiệm cho công chúng tham quan
Ngày 27.8, thông tin từ bộ Khoa học và công nghệ cho biết, vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam đầu tiên (18.5.2014), các phòng thí nghiệm trọng điểm, các viện khoa học và công nghệ lớn của quốc gia, các phòng thí nghiệm tại các viện nghiên cứu, trường đại học… cùng mở cửa để những người quan tâm tới khoa học, công nghệ trên cả nước có thể đến tham quan.
Các tổ chức làm nghiên cứu khoa học sẽ chuẩn bị chương trình giới thiệu thành tựu, định hướng, đội ngũ nghiên cứu của họ với khách tham quan. Việc mở cửa các phòng thí nghiệm sẽ là dịp để giới trẻ biết được công việc cũng như những thành tựu nghiên cứu mà khoa học công nghệ đạt được trong nhiều lĩnh vực. Tại các phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học, y học, khách tham quan có thể trực tiếp xem qua kính hiển vi để nhìn thấy tế bào, công việc giải mã gen, việc nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật, vắcxin…(Theo sgtt.vn, ngày 28/8)
VNREDSat-1: Đã hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam vận hành
Được đưa lên quỹ đạo ngày 7.5.2013, đến nay, sau 3 tháng, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam, VNREDSat-1 đã hoạt động ổn định trên quỹ đạo, trung tâm Vệ tinh quốc gia cho biết.
Việc vận hành hệ thống do các kỹ sư Việt Nam thực hiện. Việc lập kế hoạch và vận hành vệ tinh chụp ảnh do trung tâm Điều khiển và Khai thác Vệ tinh nhỏ thuộc viện Công nghệ vũ trụ, viện hàn lâm KHCN Việt Nam, đảm nhận; phần thu nhận ảnh từ vệ tinh được thông qua trạm thu ảnh vệ tinh thuộc cục Viễn thám quốc gia, nộ Tài nguyên và Môi trường. (Theo sgtt.vn, ngày 30/8)
Kit phát hiện nhanh dư lượng enrofloxacin trong thuỷ sản
ThS Bùi Quốc Anh cùng cộng sự thuộc phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, trung tâm Nghiên cứu triển khai, khu Công nghệ cao TP.HCM vừa hoàn thành nghiên cứu bộ kit ELISA (ảnh) phát hiện nhanh dư lượng kháng sinh enrofloxacin trong thuỷ sản, có khả năng phát hiện dư lượng enrofloxacin ở ngưỡng 1ppb, có thể phân tích 50 – 80 mẫu cùng lúc.

Chỉ cần căn cứ cường độ hiện màu của giếng thử là có thể xác định mẫu thuỷ sản có nhiễm enrofloxacin không và nhiễm với nồng độ bao nhiêu. Tất cả các quy trình từ đưa mẫu vào phân tích đến cho ra kết quả chỉ mất 30 phút, thao tác đơn giản, không đòi hỏi thiết bị đắt tiền, không cần nhân viên chuyên môn cao... (Theo sgtt.vn, ngày 28/8) |