Cơ khí [ Đăng ngày (08/03/2011) ]
Cú hích mới cho công nghiệp phụ trợ
Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành có thể coi là một cú hích mới cho ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam – yếu tố quan trọng để góp phần nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam.

Trên thực tế, từ tháng 7/2007, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ (còn gọi là công nghiệp hỗ trợ) Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.

Đầu năm 2009, Bộ Công Thương cũng đã ra quyết định thành lập Trung tâm phát triển Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trực thuộc Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công nghiệp để xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối các doanh nghiệp…

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa có bước đi đúng, đột phá. Trong khi đó, kinh nghiệm từ các nước phát triển công nghiệp phụ trợ trong khu vực cho thấy, mỗi thời kỳ nên tập trung vào một số ít nhóm ngành, không thể dàn trải, phân tán nguồn lực.

Cần bước đi mới

Cuối tháng 4/2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ấn nút khởi công dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản số 1 tại Quế Võ, Bắc Ninh. Đây là khu công nghiệp hỗ trợ đầu tiên của Việt Nam.

Tháng 7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và bổ sung khu công nghiệp này vào Danh mục các khu công nghiệp dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng 2020.

Tại buổi tọa đàm về “Công nghiệp hỗ trợ đối với sản xuất và xuất khẩu hàng hóa” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức tại TPHCM trong tháng 12/2010, ông Trần Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho rằng, ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta hiện nay đã khá thành công trong lĩnh vực sản xuất xe máy và điện gia dụng.

Tuy nhiên, các ngành khác như cơ khí, dệt may… lại không được khả quan như vậy.

Với ngành công nghiệp cơ khí, dù Việt Nam có nhiều nguyên liệu nguồn như quặng đồng, chì, sắt, kẽm… nhưng hiện mới chỉ có Công ty Gang thép Thái Nguyên là sản xuất ra thép thành phẩm từ nguyên liệu quặng sắt.

Đối với ngành dệt may, ngành xuất khẩu hàng đầu Việt Nam hiện nay,  nguyên phụ liệu nhập khẩu cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Theo Bộ Công Thương, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa trung bình của ngành dệt may khoảng 45%.

Chính vì thế, việc ban hành các quy định mới là hết sức cần thiết để tạo hành lang pháp lý giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh các dự án và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Đầu tư cho ngành có thế mạnh

Theo Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, một số ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt - may, da giày và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ được khuyến khích phát triển.

Theo đó, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên hỗ trợ và dành quỹ đất thích hợp cho dự án về diện tích, vị trí, tiền thuê đất.

Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sử dụng đất trong khu, cụm công nghiệp được sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, các dịch vụ công cộng và các dịch vụ khác trong khu, cụm công nghiệp; được hỗ trợ và tạo điều kiện trong việc tuyển dụng, đào tạo lao động...

Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn vốn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và các quỹ khác liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ đối với các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài.

Mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, bên cạnh các dự án hạ tầng theo hình thức PPP, Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2011 sẽ tập trung kêu gọi đầu tư cho các dự án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Cách làm là hướng trực tiếp đến các đối tác có thế mạnh trong các ngành này, như Nhật Bản, Hàn Quốc và hướng tới nhóm ngành cụ thể.

Trước đó, tháng 4/2009, những văn bản hợp tác phát triển hệ thống khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản đã được ký kết.

Tuy nhiên, bà Vân cũng đánh giá, khó khăn trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chính là vẫn chưa có chính sách, thông tin cụ thể về các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Hy vọng rằng, với chính sách mới, những ưu đãi cụ thể mới có trọng tâm, trọng điểm, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo vietmachine.com (ltnhuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn



Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->